dimanche 26 septembre 2010

Phân loại một số rủi ro trong kinh doanh







“Trên đời chỉ có duy nhất một thứ đáng sợ, đó chính là bản thân nỗi sợ hãi”
(F. Roosevelt)


Khi bắt đầu 1 dự án, một trong những việc đầu tiên là phải xác định và đánh giá rủi ro, dựa theo bảng phân loại rủi ro được liệt kê dưới đây
Sự cảnh giác luôn là công cụ hữu hiệu để lường trước các tình huống rủi ro.

Rủi ro về xã hội, chính trị:

Các tình huống khủng hoảng:
- Khủng hoảng kinh tế, lạm phát
- Bạo động, khủng bố, chiến tranh

Sự xuất hiện hay chỉnh sửa các văn bản pháp luật:
- Xuất hiện các loại thuế mới
- Thay đổi các bộ tiêu chuẩn (DĐVN chẳng hạn) hay các quy tắc kĩ thuật
- Thay đổi các quy tắc về phân bổ viện trợ, chính sách hỗ trợ của nhà nước

Rủi ro về thị trường:

Rủi ro cạnh tranh:
- Xuất hiện các bằng sáng chế, thương hiệu, mẫu mã được bảo vệ.
- Xuất hiện một sản phẩm mới cạnh tranh trên thị trường

Rủi ro marketing:
- Ngộ nhận về nhu cầu thị trường
- Đánh giá quá mức về quy mô của thị trường
- Định giá quá cao sản phẩm

Rủi ro về nhà cung cấp:
- Thất bại thỏa thuận với một nhà cung cấp chính
- Giá nguyên liệu tăng cao

Rủi ro về tài chính:
- Biến động lãi suất
- Biến động tỷ giá
- Tín dụng

Rủi ro về môi trường:
- Hoạt động của các nhà bảo vệ môi trường
- Khó khăn trong việc tới cơ sở (tắc đường, thi công…)
- Thời tiết xấu (ngành hàng không)

Rủi ro khách hàng:

Hủy hợp đồng:
- Vì lý do bất khả kháng
- Vì lý do vi phạm điều khoản (thời hạn,…)

Một số rủi ro trong quản lý dự án:

Mục tiêu phi thực tế:
- Thời hạn không đủ
- Ngân sách không đủ
- Kết quả quá tham vọng
- Nhiều công nghệ không thể có được

Sai lầm trong đánh giá:
- Đánh giá quá thấp độ phức tạp của dự án
- Không đánh giá đầy đủ con người, tài nguyên, kĩ thuật để tiến hành

Lựa chọn sai lầm phương pháp:
- Chọn 1 kiểu thiết kế, một kĩ thuật hay 1 quy trình không hiệu quả

Chỉ đạo dự án không hiệu quả:
- Kém cỏi trong việc quản lý chất lượng, thông tin tiến trình dự án
- Có những quyết định sai lầm

Trên đây là những rủi ro thường gặp khi làm kinh doanh. Từng loại rủi ro trên đây cần được xác định một cách cẩn thận, chi tiết, dựa trên những kinh nghiệm để có thể đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả. Để đánh giá tốt một rủi ro, cần phải lưu ý 2 đặc điểm chính của nó là: Hậu quả mang lạixác suất rủi ro xảy ra. Có những rủi ro có xác suất cực thấp, nhưng hậu quả lại vô cùng to lớn (vụ 11/9 chẳng hạn), ngược lại có những rủi ro có xác suất cao, nhưng hậu quả thì không nghiêm trọng (trễ thời hạn trong một số trường hợp…)


Có 4 cách chính để quản lý rủi ro :

Từ chối rủi ro: Khi rủi ro là quá lớn, chi phí giải quyết rủi ro là quá cao, thì tốt nhất là không tiến hành những dự án mà sẽ gặp những rủi ro đó

Chuyển giao rủi ro (chia sẻ rủi ro): hợp đồng với các cơ quan bảo hiểm để khi rủi ro xảy ra, họ sẽ là người gánh chịu. Hoặc chia sẻ rủi ro với khách hàng, các đối tác.

Chấp nhận rủi ro: Khi hậu quả xảy ra không nghiệm trọng hoặc trong tầm kiểm soát của công ty, công ty có thể dự trù sẵn một khoản kinh phí để giải quyết hậu quả và vẫn tiến hành dự án đó.

Giảm thiểu rủi ro: Áp dụng các bộ tiêu chuẩn, các giải pháp để giảm thiểu rủi ro (ví dụ áp dụng ISO 9001 cho quản lý chất lượng, thực hiện sao lưu hồ sơ tài liệu để tránh nguy cơ bị mất trong trường hợp hỏa hoạn…)

Khi đề ra giải pháp cần chú ý đến yếu tố “chi phí / lợi ích”, vì nói cho cùng không thể tồn tại một dự án mà hoàn toàn không có tí rủi ro nào.




jeudi 2 septembre 2010

Một triển lãm về lịch sử các hiệu thuốc tây


“Zoom sur l’officine”, một triển lãm thú vị với chuyên đề về lịch sử các cửa hàng “Apothicaire”, tiền thân của những hiệu thuốc tây ngày nay, đã được tổ chức vào năm 2009 bởi Hội Dược sĩ quốc gia Pháp.

“Zoom sur l’officine” là tên gọi phần đầu tiên trong 2 phần của triển lãm “Những trang quảng cáo” do hội Dược sĩ Pháp thực hiện hợp tác với tập đoàn dược phẩm Sanofi-Aventis. Nội dung chính của triển lãm là những bức vẽ về hình ảnh các tiệm thuốc thời xa xưa, nằm trong seri quảng cáo có chủ đề “bộ mặt của nhà thuốc” khá quen thuộc mà các công ty dược từng thực hiện để gửi đến giới bác sĩ vào những năm 1970-1973. Lúc đó, những poster này được gửi kèm theo các mẫu thông tin giới thiệu thuốc qua đường bưu điện. Với vẻ đẹp thẩm mĩ, kiến trúc, những biểu tượng tôn giáo cũng như biểu trưng y dược, triển lãm sẽ mang lại cho chúng ta hình ảnh sống động về 1 thế giới của các nhà thuốc thời xa xưa.

“Từ sau thế chiến thứ 2, những thông tin về thuốc, y tế đã được tuyên truyền bởi trình dược viên, báo chí và quảng cáo poster. Các thông tin này được truyền tải đến các nhân viên y tế, trong một khuôn khổ qui định của pháp luật, tuy nhiên khuôn khổ này còn tương đối mềm dẻo. Vì thế, các công ty dược phẩm luôn sở hữu một tài năng và trí tưởng tượng phong phú để truyền tải thông điệp quảng cáo của họ, với mục đích duy nhất là muốn nhắc đi nhắc lại tên dược phẩm mà những bác sĩ cần kê đơn.”


Sau đây tôi xin giới thiệu một vài tác phẩm có kèm theo chú thích.


Một hiệu thuốc tây vào thế kỷ 15
“Hiệu thuốc này được đặt dưới sự che chở của Thánh Nicolas (bức tượng của ông được dựng dưới mái ngói của cửa tiệm. Đây là vị thánh thông thái bảo hộ của những người thủy thủ, trên tay ông thường hay cầm một cái mỏ neo. Vị thánh này thường được chọn như là thần bảo hộ cho các hiệp hội Apothicaire hay các nhà lái buôn hương liệu tại Paris vào thế kỉ 15.
Nhà thuốc có vị trí hoàn toàn mở rộng các hướng ra đường phố, phía trong nhà thuốc bày rất nhiều bình, lọ chứa cây cỏ và hương liệu, một cách sắp xếp điển hình cho các hiệu thuốc thời bấy giờ. Bên góc trái là 1 cô dược tá đang nghiền một vài dược chất trong 1 cái cối, bên góc phải người ta còn bày cả bánh mì và phô mai, còn bên trong hiệu thuốc, là 1 cái cân dược liệu được đặt trên bàn.


Hiệu thuốc Ả rập vào thế kỉ 14
“Bức tranh này mô tả một hiệu thuốc Ả rập dựa vào các tài liệu viết tay bằng tiếng Ả rập vào thế kỉ 12-13. Trong bức hình, chúng ta thấy những “Ispeçiar” (một nghề nghiệp tương đương với apothicaire của người Ả rập) đang ngồi trong cửa hàng của họ và tiến hành điều chế 1 phương thuốc bằng hệ thống chưng cất với sự trợ giúp của một dược tá (người đang cầm bình hứng dịch chưng cất). Trên kệ nhà thuốc được trang trí bằng những bình gốm có hoa văn sặc sỡ theo văn hóa vùng Trung Đông. Ở bên ngoài cửa tiệm, được trang trí bằng 2 biểu tượng tôn giáo: Khamsa hay còn gọi là Bàn tay Fatimah và biểu tượng thứ 2 là Ngôi sao David. Những gamme màu sống động cùng những hoạt động phong phú của các nhân vật đã góp phần tăng thêm tính chân thực cho tác phẩm”.


Một hiệu thuốc La Mã
“Tác phẩm này được giới thiệu như 1 bức điêu khắc cổ được tìm thấy ở Pompéi, với vẻ bề mặt nhám và rạn nứt, trắng xóa theo thời gian. Trên tường của cổng vào, chúng ta thấy một thông điệp ghi bằng chữ viết hoa : « Otiosis locus hic non est. Discède morator » có nghĩa là « Ở đây không có chỗ cho những kẻ lười biếng, rong chơi. Nhà ngươi hãy tránh ra ». Câu khẩu hiệu ca ngợi lao động này là 1 trong 6000 văn bản được tìm thấy trong khu vực phế tích của Pompéi, bên cạnh những câu thơ về tình yêu, danh sách những nghị sĩ, danh sách những giải thưởng… Ngoài ra, mặt tiền của nhà thuốc còn được trang trí thêm bằng những biểu tượng của ngành y dược : con rắn, thần Esculape và con gái Hygie, 2 vị thần y học nổi tiếng của người La Mã. »


Một hiệu thuốc thế kỉ 20
“Mặt tiền của hiệu thuốc được trang trí theo thẩm mỹ hiện đại, đặc trưng trong những năm 1970s nhờ vào gamme màu sống động và các họa tiết hình khối. Cánh cửa bằng sắt của nhà thuốc được trang trí bằng những biểu tượng đặc trưng của ngành: 2 con rắn đối diện nhau và 1 bộ cối chày của ngành dược
Dưới góc phải của tác phẩm, họa sĩ đã khéo léo thay thế tên của loại dược phẩm được quảng cáo bằng chữ kí của ông."


Một số hình ảnh khác :


Hiệu thuốc thế kỉ 17


Một hiệu thuốc Hy Lạp


Một hiệu thuốc thế kỉ 18

Các hiệu thuốc Pháp:

Hiệu thuốc Commercy
“Thành lập vào năm 1907, hiệu thuốc Malard à commercy là một ví dụ điển hình cho phong cách trường “École de Nancy”. Được trang trí bởi 1 thợ mộc có tiếng, bề ngoài của nhà thuốc được làm bằng gỗ, 2 bên là lối vào chắn ngang bởi những hàng rào sắt.”

Một số hiệu thuốc Pháp khác:


Hiệu thuốc Poiters


Một hiệu thuốc ở Paris



Một hiệu thuốc Anh Mỹ tại Paris (do người viết chụp!)

Các bạn có thể xem toàn bộ tác phẩm của triển lãm tại trang web của Hội Dược sĩ quốc gia Pháp www.ordre.pharmacien.fr