vendredi 5 août 2011

Vaccine và những tiến bộ công nghệ trong quản lý dây chuyền lạnh


Chúng ta sẽ tìm hiểu làm sao giảm bớt được rủi ro tại những quốc gia đang phát triển.

Có khi nào chúng ta đặt ra câu hỏi về chất lượng các loại thuốc mà chúng ta phải dùng, nhất là các thuốc tiêm hay vaccin được tiến hành ở bệnh viện? Thực tế ta thường không nghĩ đến điều đó. Chúng ta cảm thấy hoàn toàn yên tâm với những loại thuốc được bác sĩ kê toa và được dùng tại bệnh viện với một sự hài lòng rằng chúng an toàn và hiệu quả. Có lẽ chúng ta là người may mắn, vì trong điều kiện hiện nay, chúng ta có thể được điều trị bằng những thuốc mà chúng ta cần, và những thuốc đó cũng đa phần được bảo quản trong điều kiện tốt.

Theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia ở London, 90% gánh nặng y tế của thế giới rơi vào các quốc gia nằm tại bán cầu nam – nơi mà người dân chỉ có thể tiếp cận được 10% tổng số dược phẩm trên toàn cầu. Hàng năm, có 9 triệu trẻ em chết dưới 5 tuổi, một nửa nằm ở khu vực nam Sahara. Người ta ước tính tại đây cứ trung bình 30 giây, căn bệnh sốt rét lại giết chết một đứa trẻ. Ngoài ra, hai phần ba trong số 33,4 triệu người nhiễm HIV toàn cầu, và một phần ba số ca lao phổi hàng năm cũng được tìm thấy ở đây. Những căn bệnh bị lãng quên như vậy đã ảnh hưởng nặng nề cho những khu vực nghèo nhất trên thế giới.

Tại những nước này, năng lượng thiếu hụt là một vấn đề then chốt. Những hệ thống phát điện cũ kĩ lạc hậu đã không theo kịp sự gia tăng quá nhanh về dân số. Việc thiếu điện gây ra những thách thức cho việc cung cấp dịch vụ y tế đến các cộng đồng dân cư xa xôi. Điển hình, đối với một trong những nguyên lý cơ bản của việc chăm sóc sức khỏe là phương pháp chủng ngừa ngăn chặn những bệnh truyền nhiễm như bại liệt, bạch hầu , uốn ván, sốt vàng da, viêm gan B... việc làm lạnh vì thế không chỉ là tối cần thiết cho việc lưu trữ thực phẩm, nó còn là công cụ then chốt không thể thiếu trong việc bảo quản chất lượng vaccine để ngăn ngừa các căn bệnh này.

“Tất cả các loại vaccine đều cực kì nhạy cảm với nhiệt, một số khác thì bị hỏng nhanh chóng khi bị đông băng,” Dr. Smith Cartoglu, chuyên viên kĩ thuật của tổ chức y tế thế giới giải thích. Các vaccine sẽ được chuyển ra khỏi nhà máy bằng những xe tải kiểm soát nhiệt độ và đóng hàng để bay đến thủ đô của các quốc gia để lưu trữ. Sau đó chúng sẽ được vận chuyển sâu hơn đến các vùng xa xôi của quốc gia, tiếp tục lưu trữ tại các bệnh viện, và cuối cùng được sử dụng để tiêm cho bệnh nhân. Đối với nhiều khu vực, mất điện là điều xảy ra thường xuyên, chưa kể đến những nơi thậm chí còn không có điện.

Trong quá khứ, những nhân viên y tế vùng sâu gần như không có cách nào để xác định xem những vaccine mà họ sắp sử dụng có đảm bảo tiêu chuẩn và đã từng tiếp xúc với nhiệt độ cao sau quá trình vận chuyển trên một quản đường dài. Trong khi một số vaccine lại nhanh chóng mất hiệu lực khi nhiệt độ chỉ tăng lên vài độ C. Ngày nay, tiến bộ khoa học đã cho phép họ nhận ra: một mẩu nhãn nhỏ, vừa đủ ghép chung với nhãn vỏ vaccine, có thể giúp họ phát hiện ra vaccine đó đã tiếp xúc với nhiệt độ cao hay chưa. Nó làm được khả năng hữu ích này nhờ vào một cơ chế thay đổi màu sắc không-thể-đảo-ngược. gọi là dấu hiệu chỉ thị nhiệt vaccine (Vaccine vial monitor – VVM)

Sau đây là cơ chế: nguyên lý hoạt động của nó dựa vào một hình vuông làm bằng vật liệu rất nhạy cảm với nhiệt độ nằm chính giữa một vòng tròn. Hình vuông này sẽ có màu nhạt hơn nhiều so với vòng tròn khi dán lên lọ vaccine. Dần dần, màu sắc trong hình vuông tối đi, không hồi phục lại được trong quá trình tiếp xúc với nhiệt. Nếu màu của hình vuông đậm ngang với màu của hình tròn, ta sẽ biết lọ vaccin đó đã bị tiếp xúc quá lâu với nhiệt và phải bỏ đi. Nếu mức độ đen theo thời gian của hình vuông vẫn còn nhạt hơn so với hình tròn, và lọ vaccine vẫn còn hạn sử dụng, thì lọ này vẫn còn dùng được.

cách đọc chỉ thị nhiệt vaccine

Khái niệm về VVM lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1979 do tổ chức Y tế Thế giới. Nó được thúc đẩy liên tục và kéo dài bởi nhiều tổ chức nhằm làm chủ được công nghệ này. Nhưng phải mất hơn 2 thập kỷ để đưa vào thực tế ứng dụng này ở các nước nghèo, nơi mà chỉ một đồng xu bỏ ra thêm cho chi phí cũng đã là một vấn đề lớn.

Người ta mong đợi đến năm 2019, VVM sẽ trở nên phổ biến và giúp các nhân viên y tế phát hiện và loại bỏ hơn 239 triệu liều vaccine đã bị hư hỏng. Qua đó có thể thấy VVM giúp tránh lãng phí, tiết kiệm được 5 triệu USD giá trị của vaccine hàng năm. VVM cũng sẽ tao điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cũng như phạm vi bao quát cho biện pháp chủng ngừa. Trong thập kỉ tới, sẽ có thêm 1,5 tỷ liều vaccin được tiêm chủng bao gồm những mũi ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở những vùng xa xôi. VVM còn giúp xác định những khâu thường bị vi phạm trong dây chuyển bảo quản lạnh do đó đóng góp đáng kể vào việc quản lý lưu trữ và vận chuyển vaccine.

“Một lợi thế mới mà trước đây không được công nhận của việc dùng VVM đã xuất hiện”, theo Dr Kartoglu, người đi tiên phong triển khai VVM và làm việc không mệt mỏi cho việc phổ biến nó trên toàn thế giới. “Ngày nay, VVM như là chất xúc tác cho những thay đổi cần thiết trong chiến lược phân phối vaccine bằng dây chuyền lạnh. Nó cho phép chương trình tiêm chủng khai thác tối đa sự ổn định và hiệu quả vaccine, cắt giảm chi phi phân phối và làm tăng tính linh hoạt trong quản lý”. Tất cả những điều này được hưởng lợi chỉ từ một mẩu nhãn dán nhỏ màu xám, thật là thú vị.

Cuối cùng, một lần nữa chúng ta lại tự hỏi về chất lượng của những loại thuốc mà chúng ta đang sử dụng và làm sao để kiểm tra được chất lượng nó? Hy vọng rằng sau khi đọc bài này thì bạn sẽ không đơn thuần chỉ dựa vào hạn dùng như trước đây nữa, đó là mong muốn của tôi!

contractpharma.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire