mardi 30 juin 2015

Clinicaltrials.gov, một trang web quan trọng về thông tin các thử nghiệm lâm sàng

Trang web clinicaltrials.gov là một trang web dùng để đăng kí các thử nghiệm lâm sàng (TNLS), được điều hành bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), đây là cơ sở dữ liệu lớn nhất về thử nghiệm lâm sàng, bao gồm khoảng 130,000 nghiên cứu từ hơn 170 quốc gia trên thế giới.
Clinicaltrials.gov ra đời sau khi luật Food and Drug Administration Modernization Act of 1997 (FDAMA) được ban hành. Nhằm tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện cho bệnh nhân, người thân và các tổ chức có liên quan nắm bắt được thông tin về NCLS họ tham gia, FDAAM yêu cầu Bộ Y tế Mỹ, thông qua NIH, phải thiết lập 1 hệ thống đăng kí các TNLS được tài trợ bởi cả chính phủ và tư nhân để trình duyệt hồ sơ thuốc mới IND cho những căn bệnh hiểm nghèo, đe dọa tính mạng. NIH và FDA đã hợp tác để phát triển trang web, và công khai cho công chúng lần đầu tiên vào tháng 02/2000.
Yêu cầu đăng kí trên clinicaltrials.gov sau đó được mở rộng thêm sau khi FDA Amendments Act of 2007 (FDAAA) được thông qua. Mục 801 của FDAAA bổ sung thêm các loại nghiên cứu cần được đăng kí và các thông tin mà 1 nghiên cứu cần được công bố. Điều luật cũng yêu cầu 1 số loại nghiên cứu phải công bố cả kết quả, dẫn đến việc phát triển cả 1 hệ thống cơ sở dữ liệu về kết quả nghiên cứu lâm sàng của ClinicalTrials.gov results database, bao gồm tóm tắt kết quả, cũng như các biến cố ngoại ý được ghi nhận. Cơ sở dữ liệu này được công khai lần đầu vào năm 2008. FDAAA 801 cũng quy định việc xử phạt khi nghiên cứu không được đăng kí hay không công bố kết quả.
Thông tin cập nhật lên trang web là do các nhà tài trợ (Sponsor) hoặc Nghiên cứu viên (Investigator) của dự án NCLS đăng tải và chịu trách nhiệm về độ chính xác.
Thông thường, nếu NCLS bạn tham gia được đăng kí trên clinicaltrials.gov, thông tin này sẽ có trong Phiếu đồng ý tham gia mà bạn cần phải xem và kí chấp thuận trước khi vào nghiên cứu (ví dụ về thông tin như sau “Một bài mô tả nghiên cứu này sẽ được đăng trên http://www.ClinicalTrials.gov, theo yêu cầu của Luật Hoa Kỳ. Trang Web này không chứa các thông tin có thể xác định được danh tính của bạn. Nhiều nhất thì trang web này sẽ chỉ bao gồm một bản tóm tắt các kết quả. Bạn có thể tra cứu trang web này bất cứ lúc nào”).

Ban đầu chỉ để đăng kí các NCLS được thực hiện tại Mỹ, tuy nhiên đến hiện nay thì đã có hơn 193,000 NCLS được đăng kí, bao gồm trên 50 quốc gia, cả những NCLS không thực hiện tại Mỹ. Trang web có mục thống kê với nhiều thông tin thú vị https://clinicaltrials.gov/ct2/resources/trends

Ví dụ như thống kê về các nghiên cứu đang thu tuyển bệnh nhân trên toàn thế giới: những nghiên cứu chỉ thu tuyển bệnh nhân ở Mỹ khá lớn và xấp xỉ các nghiên cứu không thu tuyển bệnh nhân ở Mỹ (tất nhiên đây là trang web theo điều luật của Hoa Kì, nên không phải tất cả NCLS trên thế giới đều đăng tải ở đây)

Hay thống kê về các loại nghiên cứu đang tiến hành (Nghiên cứu can thiệp: thuốc, thói quen, quy trình phẫu thuật hay 1 thiết bị y tế mới; nghiên cứu quan sát không can thiệp):

Thử tìm hiểu về kết quả của 1 nghiên cứu về hiệu quả của nhóm thuốc điều trị ĐTĐ type 2 đường uống DPP-4 và Metformin:

Study Type:
Interventional
Study Design:
Allocation: Randomized;   Endpoint Classification: Safety/Efficacy Study;   Intervention Model: Factorial Assignment;   Masking: Double-Blind;   Primary Purpose: Treatment
Condition:
Diabetes Mellitus, Type 2
Interventions:
Drug: linagliptin2.5mg/metformin1000mg
Drug: linagliptin 5mg
Drug: Metformin 500mg
Drug: linagliptin2.5mg/metformin500mg
Drug: Metformin 1000mg

tình hình bệnh nhân tham gia:


Linagliptin 5mg QD  
 Metformin 500mg BID  
Metformin 1000mg BID  
Linagliptin 2.5mg / Metformin 500mg BID  
 Linagliptin 2.5mg / Metformin 1000mg BID  
  Nhóm thăm dò: Linagliptin 5mg QD  
Nhóm thăm dò: Linagliptin 2.5mg / Metformin 1000mg BID  
Tham gia
147
145
144
147
147
71
72
Hoàn thành  
130
137
127
137
131
64
65
Không hoàn thành  
17
8
17
10
16
7
7
Biến cố ngoại ý  
3
4
9
2
7
3
5
Không hiệu quả  
3
1
0
0
0
1
0
Không tuân thủ đề cương  
0
2
1
3
0
0
0
Mất liên lạc  
2
1
2
2
0
0
1
Từ chối tiếp tục tham gia  
8
0
4
2
8
1
1
Lý do khác  
1
0
1
1
1
2
0

Ví dụ về kết quả 1 mục tiêu chính: Đánh giá sự thay đổi HbA1c sau 24 tuần điều trị


Linagliptin 5mg QD  
 Metformin 500mg BID  
 Metformin 1000mg BID  
 Linagliptin 2.5mg / Metformin 500mg BID  
 Linagliptin 2.5mg / Metformin 1000mg BID  
Số lượng bệnh nhân được phân tích
  141  
  144  
  133  
  142  
  141  
Thay đổi HbA1c từ baseline đến 24 tuần [đơn vị: %]
Giá trị trung bình (độ lệch chuẩn)
  -1.29  (0.08)  
  -1.64  (0.08)  
  -2.07  (0.08)  
  -2.15  (0.08)  
  -2.29  (0.08)  

Kết quả phân tích thống kê: so sánh giữa điều trị giữa Metformin 2 BID với Metformin kết hợp Linagliptin BID
Groups [1]
Main: Metformin 1000mg BID vs. Main: Linagliptin 2.5mg / Metformin 1000mg BID
Method [2]
ANCOVA
P Value [3]
0.0587
Mean Difference (Final Values) [4]
-0.22
Standard Error of the mean
(0.12)
95% Confidence Interval
-0.45 to 0.01


Groups [1]
Main: Metformin 500mg BID vs. Main: Linagliptin 2.5mg / Metformin 500mg BID
Method [2]
ANCOVA
P Value [3]
<0 .0001="" o:p="">

Mean Difference (Final Values) [4]
-0.51
Standard Error of the mean
(0.11)
95% Confidence Interval
-0.73 to -0.29

Tôi cũng thử tìm hiểu về tình hình nghiên cứu ở Việt Nam, bằng cách vào mục search thì cũng có nhiều thông tin thú vị:
Theo trang web, đã có tổng cộng 220 NCLS tại Việt Nam được đăng tải trên clinicaltrials.gov (67 nghiên cứu đang tiến hành và 153 nghiên cứu đã đóng/hoàn thành)
Trong đó có 13 nghiên cứu pha I (từ các nhà sản xuất trong nước như vaccine (hiện nay Việt Nam đang phát triển mạnh công nghiệp vaccine), Nanogen, trường đại học…, lưu ý rằng nghiên cứu pha I các thuốc ngoại nhập hiện chưa được phép tại Việt Nam), 30 nghiên cứu pha II và 72 nghiên cứu pha III. Trong đó có 1 số nghiên cứu là đa quốc gia, IND.
Một số quốc gia khu vực có số lượng NCLS như sau: Thái Lan: 1740; Singapore: 1462; Philippines: 744; Malaysia 759; Indonesia: 273; Cambodia: 55; Myanmar: 10; Hàn Quốc: 6348; Đài Loan: 3999
Có thể thấy ngành NCLS của Việt Nam cũng đứng sau Thái, Singapore, Malaysia và Philippines
Trang web cũng cung cấp thông tin thú vị về các công ty dược đa quốc gia đã làm nghiên cứu tại Việt Nam (gõ tên công ty vào mục Sponsor):
Novartis: 12 (2 recruiting), AstraZeneca : 41 (10 recruiting), Bayer : 11 (05 recruiting), GSK : 14 (02 recruiting), Roche: 06 (03 recruiting), Boehringer Ingelheim: 02 (01 recruiting), Sanofi-Pasteur : 05 (CYD14, CYD22, CYD34…), (1 recruiting), Sanofi-aventis: 02, MSD: 02, Other pharma sponsor: Lundbeck,  J&J…
Đây là những nghiên cứu can thiệp có sử dụng thuốc mới, những nghiên cứu quan sát, địa phương do các công ty này thực hiện có thể không được post trên trang web này. Có thể thấy các công ty châu Âu làm nhiều nghiên cứu tại Việt Nam, các công ty Mỹ như Pfizer chưa làm nghiên cứu nào.


vendredi 5 octobre 2012

Cơ hội lớn từ những thuốc mồ côi

Hiện nay, có Khoảng 25 triệu người Mỹ đang phải chung sống với những căn bệnh “mồ côi”. Mặc dù biết rằng một căn bệnh cụ thể chỉ ảnh hưởng trên số lượng tương đối ít người, nhưng tổng số bệnh nhân lại ngày càng nhiều khi tính chung tất cả các căn bệnh hiếm này, đang trở thành cơ hội tiềm năng cho các công ty dược. Điều này được phản ánh bởi một thực tế là các phương pháp trị liệu mới cho những nhu cầu y tế sẽ nhận được sự bồi hoàn lớn từ hệ thống bảo hiểm.

“Chi phí điều trị cao kèm theo những nhân tố khuyến khích hấp dẫn, ví dụ như sự ưu đãi từ chính quyền (bao gồm các khoản tín dụng thuế), yêu cầu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và ngắn hơn, thời gian độc quyền cao và tỷ lệ đăng kí thành công lớn, đã làm cho các thuốc “mồ côi” hàng đầu có thể phát triển tốt như những thuốc thông thường” – báo cáo của Thomson Reuters, kèm theo nhận định rằng thị trường thuốc mồ côi toàn cầu đã có giá trị hơn 50 tỷ USD tính đến thời điểm cuối năm ngoái. 

Trong khi đó, chi tiêu về thuốc mồ côi hiện đang chiếm khoảng 6% tổng doanh số dược phẩm (ước tính tổng giá trị thị trường là 880 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 2001 đến 2010 khoảng 25.8%, so với 20.1% ở nhóm thuốc thông dụng. Kết hợp với việc các thuốc trong nhóm được chấp thuận ngày càng tăng, dữ liệu khảo sát cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm của nhóm thuốc này sẽ vượt hơn hẳn các loại thuốc khác. 

Giá thành cao chính là điểm tựa cho sự tăng trưởng. Trong 2010, loại thuốc đắt nhất có tên là Soliris, có chi phí điều trị hơn 409,000 USD một năm, điều trị bệnh huyết cầu tố niệu kịch phát ban đêm (paroxysmal nocturnal hemoglobinuria), một căn bệnh huyết học hiếm đe dọa đến tính mạng. Dược phẩm này đã tạo ra 541 triệu USD doanh thu cho Alexion Pharma. "Đây là một thành tựu đáng kể về doanh thu, với chỉ từ 4.000 đến 6.000 người bị bệnh này ở Mỹ," báo cáo cho biết. 

Hơn nữa, việc nghiên cứu một loại thuốc mồ côi để chỉ định điều trị các bệnh mồ côi khác sẽ giúp công ty dược nộp thêm nhiều đăng kí cho cơ quan quản lý. Thomson Reuters nhận thấy rằng 15% thuốc được khảo sát đã có những chấp thuận tiếp theo của cơ quan quản lý cho việc điều trị các bệnh hiếm khác. Và trong 10 thuốc mồ côi hàng đầu, 6 loại có chỉ định điều trị nhiều hơn 1 loại bệnh hiếm với tiềm năng doanh số là 34,3 tỷ USD, so với 8,1 tỷ ở những loại thuốc chỉ có 1 chỉ định điều trị. 

Vậy thuốc mồ côi có doanh số lớn nhất là thuốc nào? Đó là Rituximab, một chế phẩm điều trị ung thư do Roche phát triển. Trong thực tế, 4 trên 10 loại thuốc mồ côi best seller hiện nay là điều trị ung thư, mặc dù vị trí thư 2 thuộc về Lucentis, dùng trong nhãn khoa, cũng là 1 sản phẩm khác của Roche. 



Tuy nhiên, việc phát triển thành công 1 loại thuốc mồ côi, tất nhiên, không phải là một thắng lợi tuyệt đối. Mô hình thử nghiệm lâm sàng điển hình có thể không hoàn toàn phù hợp để tạo ra kết quả rằng thuốc đó an toàn và hiệu quả trong điều trị các bệnh mồ côi, khi mà việc thu tuyển bệnh nhân có thể khó khăn cũng như bệnh tiến triển chậm và không đều trong một thời gian dài, theo Steven Grossman, một người đã từng tham gia soạn thảo Luật Thuốc Mồ côi vào năm 1983 tại Mỹ. “Thường thì quần thể điều trị thường quá rải rác hoặc quá tập trung. Một số lượng đáng kể các bệnh hiếm không có tài liệu lịch sử tự nhiên” ông nói, “Nhiều bệnh hiếm gặp có tính chất thoái hóa và không đồng nhất về lịch sử tự nhiên. Ví dụ, một thử nghiệm 2 năm có chứng tỏ được hiệu quả đầy đủ khi tổng thời gian tiến triển của bệnh là 10 năm? Các bệnh lý di truyền cũng gây ra thách thức đáng kể cho việc thiết kế nghiên cứu, nhất là trong việc xác định các dấu ấn sinh học và các tác nhân thay thế cho việc tiến triển của bệnh”.

Theo Pharmalot

jeudi 1 septembre 2011

Vắc xin sốt xuất huyết : thách thức và các tiến bộ


Như những bệnh truyền nhiễm khác, công cụ hiệu quả nhất để chiến đấu chống lại sốt xuất huyết (sốt dengue) là vaccine. Đó là phương pháp vừa hiệu quả lại vừa kinh tế, có thể giúp đẩy lui được căn bệnh đang đe dọa hàng chục triệu người trên thế giới. Người ta đã cố gắng phát triển vaccine dengue từ 60 năm nay, nhưng nó đã gặp phải rất nhiều khó khăn, không chỉ là thử thách về mặt khoa học, mà còn do sự thiếu quan tâm của các công ty dược phương Tây vì nghĩ rằng nó chỉ là vấn đề của các nước nghèo đang phát triển.

Đó là lý do tại sao dù số ca sốt xuất huyết gia tăng ngày càng nhiều trên thế giới, những nỗ lực của chúng ta gần như là con số không. Hiện nay chưa có thuốc nào phòng ngừa hay kháng được virus. Cách duy nhất mà người ta áp dụng hiện nay là cố gắng kiểm soát sự sinh sản của muỗi vằn Aedes aegypti, loài côn trùng trung gian gây bệnh của virus dengue.

Như chúng ta thấy hiện nay, biện pháp trên tỏ ra tốn thời gian và chủ yếu là không hiệu quả. Bộ y tế thường khó khăn trong việc tuyên truyền cho công chúng nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng những biện pháp như: tìm và tiêu diệt nơi sinh sản của muỗi, tự bảo vệ bản thân, chữa trị sớm khi bị sốt và không để đồ đạc bừa bãi.

Nhờ vào sự ấm lên và sự toàn cầu hóa, sốt xuất huyết ngày nay đã bắt đầu trở thành mối quan tâm của phương Tây. Tại Mỹ, căn bệnh này một thời đã bị diệt trừ, nay đã quay lại. Từ nhiều năm nay, sự đô thị hóa nhanh chóng đặc trưng bởi các khu vực đông dân cư đi kèm với môi trường cho muỗi phát triển trên diện rộng đã làm gia tăng sự bùng nổ các ca nhiễm sốt xuất huyết, từ 1,2 triệu ca được báo cáo năm 1998 đã tăng lên xấp xỉ 50 triệu hiện nay, với số quốc gia tăng lên đáng kể. Người ta cũng tin rằng con số thực tế còn lớn hơn nhiều, vì đa số ca nhiễm sốt xuất huyết nhẹ đều có triệu chứng không điển hình.

Với sự giúp đỡ của các chính phủ cũng như sự tài trợ của quỹ Bill và Melinda Gate, những nỗ lực nghiên cứu để tìm một loại vắc xin hiệu quả đã phát triển hơn 60 dự án trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngày mà cục quản lý dược Mỹ FDA phê duyệt cho một loại vaccin chủng ngừa hoặc điều trị vẫn còn một vài năm nữa. Rõ ràng, sốt xuất huyết không phải là một thách thức dễ dàng bị vượt qua, các nhà khoa học đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết kế một loại vaccine mà vừa có thể phát triển sự miễn dịch bảo vệ lại vừa không kích hoạt một phản ứng miễn dịch thứ cấp nguy hiểm.

Để dễ hiểu hơn về trở ngại này, các nhà khoa học giải thích: Trong đa số các bệnh truyền nhiễm, khi người ta đã mắc bệnh một lần, thì họ sẽ được bảo vệ khỏi bệnh đó và hiếm khi nào mắc lại lần thứ 2, ví dụ như các bệnh đậu mùa, thủy đậu,... Đó cũng chính là nguyên lý để người ta chế tạo ra vaccine. Tuy nhiên, sốt xuất huyết thì hoàn toàn khác hẳn.

Một trong những điểm độc đáo đặc trưng của sốt xuất huyết là bạn có thể bị mắc nhiều lần trong đời, thậm chí khi mắc lần 2 bạn sẽ có nguy cơ bị nặng hơn lần đầu.” theo Tiến sĩ Anna Durbin, một giáo sư tại trường Đại học Johns Hopkins Bloomberg về Y tế công cộng, người đang làm việc với Viện quốc gia về dự án vắc-xin sốt xuất huyết.

Lý do của hiện tượng này là vì virus Dengue tồn tại dưới dạng 4 chủng (serotype) khác nhau được gọi tên lần lượt từ DEN 1 đến 4. Các chủng này hoàn toàn độc lập, người lần đầu nhiễm 1 trong 4 chủng này thường có biểu hiện sốt nhẹ không điển hình (sốt Dengue). Sốt xuất huyết Dengue hay nặng hơn là Hội chứng sốc Dengue (thể nặng) thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bệnh nhân đã có sẵn miễn dịch chủ động (do đã bị bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại huyết thanh khác. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng "thể nặng của bệnh là Sốt xuất huyết Dengue/Hội chứng sốc Dengue xảy ra khi một người đã nhiễm bệnh trong quá khứ bởi một loại serotype virus nay lại nhiễm một loại serotype virus khác". Giả thuyết này được củng cố bởi các ghi nhận lâm sàng rằng Sốt xuất huyết Dengue gặp chủ yếu ở những người đã ít nhất một lần mắc bệnh trước đó và Sốt xuất huyết Dengue xảy ra thường xuyên hơn ở các cư dân trong vùng dịch lưu hành hơn là các du khách mắc bệnh tại nơi này trong cùng thời điểm. Vì thế, một vaccine an toàn phải là một vaccine tứ giá (tetravalent) có thể chống lại cùng lúc cả 4 chủng serotype trên, và điều này thật sự là một thử thách.

Những tiến bộ đi xa nhất tính tới thời điểm này là các vaccine được làm từ virus dengue sống, giảm động lực. Các công ty như GSK và Sanofi Pasteur đã đạt được nhiều thành tựu khi đưa được sản phẩm của mình vào giai đoạn thử nghiệm trên người.

Các báo cáo ban đầu từ 1 thử nghiệm tại Thái Lan cho loại vaccine được phát triển bởi tập đoàn Pháp Sanofi Pasteur được mô tả là “rất hứa hẹn”. Thử nghiệm này được tiến hành vào năm 2009, bao gồm 4,000 trẻ em và đang chứng tỏ hiệu quả trong 2 năm đầu, mà không có trẻ tình nguyện nào mắc phải các phản ứng phụ nguy hiểm từ vaccine. Sanofi dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm vaccine tại nhiều quốc gia như Philippine, Indonesia hay Việt Nam.

Vì đặc tính của mình, sốt xuất huyết cần phải mất một thời gian dài hơn gấp 3-4 lần để phát triển một loại vaccine so với những loại vaccine từ virus có họ hàng tương tự như virus viêm não Nhật Bản và virus Sốt vàng. Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi trong các nghiên cứu lâm sàng, các chuyên gia cho biết kế hoạch triển khai tiêm chủng cho cộng đồng sẽ bắt đầu sớm nhất vào năm 2015.

Một tin vui khác cũng đến từ khu vực ASEAN. Một báo cáo của Guardian London cho biết những nhà nghiên cứu Singapore đang nghiên cứu một loại test thử đơn giản, rẻ tiền và không xâm lấn cho bệnh sốt xuất huyết dựa vào nước bọt so với các xét nghiệm máu hiện tại. Nếu thành công, nó sẽ cung cấp một phương pháp hiệu quả để thử sốt xuất huyết tại nhà, điều này sẽ giúp việc điều trị trở nên kịp thời hơn.

Cuối cùng, trong khi chờ đợi một vaccin mới sắp ra đời, trước mắt bạn hãy tìm cho mình 1 bác sĩ nhi khoa, bất kể tuổi tác của bạn là bao nhiêu. Lý do là vì bác sĩ nhi khoa luôn là chuyên gia hàng đầu hiện nay trong việc kiểm soát và điều trị sốt xuất huyết, và ngày càng có nhiều ca được báo cáo về sốt xuất huyết ở người lớn với những diễn tiến nghiêm trọng khó lường!

philstar.com


samedi 13 août 2011

CRO, họ là ai?


Một công ty CRO (Contract Research Organisation hay Clinical Research Organisation) là một công ty cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho ngành công nghiệp dược phẩm và chế phẩm sinh học. Các tổ chức CRO cung cấp một danh mục lớn nhiều dịch vụ nghiên cứu thuốc mà các tập đoàn dược phẩm muốn « outsource » trên con đường phát triển thuốc vô cùng khó khăn và tốn kém. Khi mới hình thành, thị trường CRO chủ yếu nổi bật trong lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng, ngoài ra họ còn phát triển dịch vụ trong những mảng như đăng kí thuốc, logistics hay lưu hành sản phẩm. Theo nhận định, một nghiên cứu lâm sàng thực hiện bởi 1 công ty CRO có thể nhanh hơn 30% so với khi được thực hiện bởi các công ty dược. Đây là một thị trường rất phân mảnh, các công ty CRO cũng rất phong phú, từ những tập đoàn đa quốc gia có thể cung cấp đầy đủ mọi dịch vụ cần thiết cho đến những công ty nghiên cứu nhỏ, chỉ tham gia vào các thị trường ngách đòi hỏi sự phức tạp hay khu vực địa lý đặc thù. Những công ty CRO thường hỗ trợ cho các công ty dược nhưng họ cũng có thể tham gia vào lĩnh vực chế phẩm sinh học, dụng cụ y tế hay thậm chí cả nông nghiệp và thú y.



Tổng quan về thị trường CRO

Nghiên cứu theo hợp đồng là một ngành công nghiệp nhiều tỷ USD. Trong 5 năm qua, nhu cầu của thị trường này tăng trung bình 14-16% một năm, dựa vào sự phát triển mạnh số lượng các thử nghiệm lâm sàng cũng như độ phức tạp và quy mô ngày càng lớn của những thử nghiệm này. Hiện nay có hơn 1100 công ty CRO trên toàn thế giới, dẫn đầu về thị trường là 3 tập đoàn đa quốc gia, chiếm ưu thế với doanh số mỗi công ty đều trên 1 tỷ USD bao gồm : Covance, PPD, Quintiles. Hình mô tả sau bao gồm các pha thử nghiệm tiền lâm sàng, I, II và III được thực hiên bởi CRO.



Các hoạt động toàn cầu vs địa phương

Có hơn 1000 công ty trong một thị trường nhiều phân mảnh, cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. Những công ty nhỏ doanh số có thể dưới 1 triệu USD. Xu hướng chung khuyến khích các công ty mở rộng hoạt động ra toàn cầu hơn là chỉ tồn tại trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn có những thị trường tập trung then chốt cho ngành công nghiệp, đặc biệt là tại Mỹ, châu Âu và châu Á. Ví dụ như năm 2008, phần lớn doanh số từ thử nghiệm lâm sàng đến từ các dự án tại Mỹ. Và thực tế là 2/3 trong số hơn 1000 công ty CRO có trụ sở tại Mỹ. Sự ưu thế tuyệt đối này là do Mỹ hiện vẫn là thị trường dược phẩm lớn nhất thế giới, cũng như điều kiện thuận lợi về mọi mặt khi tiến hành các thử nghiệm tại đây. Về châu Á, mặc dù sẽ hưởng lợi nhiều từ sự gia tăng nghiên cứu tại Trung Quốc và Ấn Độ, doanh thu vẫn thấp đáng kể so với tổng doanh thu toàn cầu vì nguyên nhân giá trị đồng tiền quá thấp tại các khu vực này. Nam Mỹ và châu Phi cũng bắt đầu chiếm một phần nhỏ thị trường, cũng như Đông Âu và nhiều nơi tại châu Á, nghiên cứu ở đây chỉ tốn một phần ít chi phí so với EU hay Mỹ, trong khi nhóm bệnh nhân ở đây lại thích hợp cho nghiên cứu và hứa hẹn sẽ mang đến số liệu có chất lượng.

Xu hướng của ngành gần đây

Ngành công nghiệp vẫn đang hướng đến mô hình cung cấp dịch vụ « full-service », nghĩa là thực hiện nghiên cứu từ các giai đoạn sớm nhất qua các giai đoạn lâm sàng và đến giai đoạn nghiên cứu sau khi được lưu hành. Các nhu cầu đặc biệt tăng mạnh trong những năm qua, với sự bùng nổ của các thử nghiệm pha II và pha III cũng như sự tăng trưởng đều đặn của pha I. Ngoài ra, sự gia tăng lo ngại về các vấn đề an toàn cũng giúp thúc đẩy thử nghiệm sau khi lưu hành. Không những thế, với sự khắt khe của FDA về vấn đề an toàn, kích cỡ nghiên cứu cũng trở nên ngày càng lớn. Nhu cầu cho những thử nghiệm lớn đã góp phần đòi hỏi các công ty CROs phải mở rộng hoạt động ra toàn cầu.

Nguồn cung cấp các sản phẩm dược-công nghệ sinh học

Năng suất R&D của các nhà sản xuất là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ngành CRO. Bộ phận nghiên cứu phát triển của các công ty dược cần phải đảm bảo duy trì dòng cung cấp các hoạt chất mới để giữ cho sự tăng trưởng của công ty

Chi phí gia tăng cho R&D

Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến ngành CRO. Việc chi phí ngày càng đắt đỏ trong nghiên cứu lâm sàng tạo nhiều cơ hội cho các công ty nghiên cứu, có thể nói sự lớn mạnh và phát triển của các tập đoàn dược chính là yếu tố then chốt của các công ty CRO, vì chính họ là người cung cấp ngân sách cho ngành công nghiệp này.

Ngoài ra, sự “outsource” ngày càng tăng trong các hoạt động nghiên cứu thuốc là kết quả của các yếu tố sau:

Áp lực về giá thuốc

Các công ty dược luôn chịu nhiều áp lực về giá thuốc từ cơ quan quản lý và bệnh nhân. Vì vậy Covance Inc tin rằng các tập đoàn dược này cần chịu trách nhiệm cắt giảm chi phí bằng cách chuyển những chi phí cố định trong việc duy trì bộ phận nghiên cứu lâm sàng thành chi phí lưu động, có thể tăng hay giảm tùy theo nhu cầu, bằng cách thuê ngoài các hoạt động này cho CRO. Các công ty dược sẽ thấy họ không đủ tiềm năng phát triển nội bộ đáp ứng nhu cầu khi có quá nhiều phân tử tiềm năng ra đời cần được thử nghiệm. Covance cũng tin rằng các công ty dược sẽ cố rút ngắn thời gian nghiên cứu lâm sàng bằng cách outsource cho các CROs, nơi tập trung nhiều kinh nghiệm và chuyên môn hơn.

Sự toàn cầu hóa thị trường dược phẩm:

Các tập đoàn đang cố gắng mở rộng thị trường ra toàn cầu cho các thuốc mới phát minh của họ. Mong muốn đăng ký lưu hành cùng lúc trên nhiều thị trường sẽ thay thế cho việc đăng ký lưu hành tuần tự các nước như trước kia. Với xu thế này, những công ty CROs vốn thông thuộc môi trường và điều kiện pháp lý trên nhiều quốc gia sẽ là các đối tác tốt cho họ.

Phong trào M&A trong ngành dược:

Các thương vụ M&A khổng lồ trong ngành dược là kết quả của việc cắt giảm tinh gọn cơ cấu của các công ty. Một khi sát nhập, nhiều việc làm phải bị cắt giảm, các chi phí cho nghiên cứu và phát triển thuốc cũng rất hạn chế. Vì vậy hợp tác với các công ty CRO là một lựa chọn hiệu quả và tiết kiệm.

Đòi hỏi ngày càng khắt khe của cơ quan quản lý:

Cơ quan quản lý của mọi quốc gia đều trở nên ngày càng khắt khe, họ đòi hỏi nhiều nghiên cứu lâm sàng hơn và quy mô lớn hơn để chứng minh thuyết phục hiệu quả của các thuốc mới ra đời. Đó cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho các công ty CROs.

Tập trung vào các lĩnh vực điều trị:

Với những lĩnh vực điều trị như tim mạch, ung thư, viêm khớp, Alzheimer, việc tiến hành các nghiên cứu lâm sàng là khá phức tạp, đòi hỏi các thuốc mới phải chứng tỏ được hiệu quả rõ rệt và không có nhiều tác dụng phụ khi sử dụng trong thời gian dài.

Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng trong ngành dược

Chi phí cho R&D ngày càng tăng cao trong khi năng suất của nó lại giảm, các công ty dược cần phải tìm ra giải pháp để giúp cổ đông của họ tin rằng tiền đầu tư của mình được thu hồi vốn nhanh chóng. Để giải tỏa được áp lực này, các tập đoàn cần học cách nghiên cứu thuốc thật nhanh chóng nhưng lại phải giảm chi phí. Vì vậy, việc bắt tay với các đối tác giàu kinh nghiệm như các CROs là một lựa chọn tốt.

Sự phát triển của các công ty Công nghệ sinh học

Ngành công nghệ sinh học Mỹ đang tăng trưởng mạnh với sự ra đời nhiều sản phẩm tiềm năng cho các căn bệnh nan y. Tuy nhiên nhiều công ty công nghệ sinh học chỉ mới thành lập và không có đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tốn kém. Họ chấp nhận thuê ngoài công đoạn này cho các CROs để tránh mất thời gian xây dựng đội ngũ nhân lực của mình.

Hợp tác giữa Pharma và CRO là xu hướng tất yếu của ngành dược phẩm


"The CRO Market Outlook: Emerging Markets, Leading Players And Future Trends. Viewed April 02, 2008"