samedi 29 mai 2010

Câu chuyện về bằng sỡ hữu trí tuệ của một quy trình tổng hợp hóa dược

Kể từ khi khởi đầu vào năm 1996, Irix Pharmaceuticals đã giúp các khách hàng của họ giành được 34 bằng bảo hộ sáng chế, phần lớn liên quan đến các quy trình tổng hợp hóa học. Ví dụ như một thành công của họ sau đây: “U.S. patent number 7009049, awarded to Cytokinentics, a South San Francisco-based biotech firm”.

Irix được thành lập bởi J. Guy Steenrod và Panos Kalaritis, hai cựu giám đốc điều hành của Roche, với mục đích cung cấp các dịch vụ nghiên cứu R&D cỡ lớn hoặc các dịch vụ sản xuất theo quy mô công nghiệp cho các công ty dược phẩm mà không thể, hoặc không muốn mở rộng nguồn lực hoạt động của mình.

Một trong những nhân viên đầu tiên của họ là George Yiannikouros, với vai trò giám đốc chính về khoa học kĩ thuật. Yiannikouros là tiến sĩ của đại học New York City University, và có bằng postdoc thuộc ê kíp tổng hợp hóa học nổi tiếng của K. C. Nicolaou. Giống như Steenrod và Kalaritis, Yiannikouros cũng là cựu nhân viên của Roche, nơi mang lại cho ông sự nổi tiếng với việc đề ra quy trình mới tổng hợp thuốc loãng xương Rocaltrol, một sự thay đổi đã giúp tiết kiệm hàng triệu USD cho chi phí sản xuất hàng năm của hãng.

Trong những ngày đầu, Irix hoạt động tại một phòng thí nghiệm ở Florence, S.C., thuê lại từ trường đại học Francis Marion University. Năm 1998, công ty đã trở nên đủ lớn để tự xây nên một phòng thí nghiệm cho riêng mình tại Florence, và đến năm 2002, họ cùng các đối tác tiến hành mua một trung tâm bào chế dược phẩm hoàn toàn mới ở Greenville, S.C.

Khởi sự với khách hàng đầu tiên, thương vụ mà đã mang lại hai bằng sáng chế, Irix chọn hướng đi riêng cho mình theo hướng phát triển công nghệ, giúp tiết kiệm chi phí cho khách hàng đồng thời cũng thiết lập được những rào cản đối với các đối thủ cạnh tranh. “chiến lược của chúng tôi là nhanh chóng giải quyết các vấn đề bằng việc sử dụng các kĩ thuật tiên tiến”, Yiannikouros cho biết. “Nó giúp chúng tôi trụ lại trong cuộc chơi, trong khi mọi người đang đổ xô đến Ấn Độ và Trung Quốc để tận dụng lợi thế nhân công rẻ.”

Nhà máy sản xuất dược phẩm của Irix tại Greenville, S.C.

Cytokinetics bắt đầu gõ cửa Irix vào khoảng giữa năm 2000, Yiannikouros nhớ lại. Nó được ví như một sự hợp tác thường gặp trong ngành công nghiệp sản xuất hóa dược, tương tự các khách hàng khác của Irix. Người đại diện cho Cytokinetics lúc đó là David J. Morgans Jr., hiện nay là phó chủ tịch điều hành của bộ phận R&D tiền lâm sàng. Sau cuộc gặp gỡ của ông ta với Steenrod và Kalaritis, Morgans tỏ ra rất ấn tượng với những hợp đồng lớn mà Irix đã thực hiện cũng như khả năng sản xuất các hợp chất gây độc tế bào của công ty này.

Là nhân viên mới của Cytokinetics, Morgans được giao ngay nhiệm vụ then chốt là tìm cách nào kiếm được vài kí lô gram hoạt chất chất lượng cao cho kế hoạch thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của công ty. Lúc đó, Cytokinetics là một công ty chỉ mới được thành lập khoảng một năm rưỡi. Được ủng hộ bởi các nhà đầu tư mạo hiểm, nó được lập ra nhằm mục đích thương mại hóa các phát minh tìm ra bởi những nhà khoa học từ Đại học Y khoa Stanford University và các khu campus của đại học California tại San Diego và San Francisco.

Các nhà khoa học của Cytokinetics đều là chuyên gia trong lĩnh vực cấu trúc khung tế bào (cytoskeleton): một bộ khung đa thành phần mà trong đó tế bào sắp đặt các cơ quan của nó. Họ ví bộ khung này như bản đồ của một thành phố, với các con đường cao tốc là những cấu trúc protein hình ống gọi là microtubule và xe cộ chính là những enzyme di động có chức năng chuyên chở các chất hóa học trong tế bào. Với ý niệm như vậy, các nhà khoa học đã có kế hoạch phát triển các loại phân tử thuốc có khả năng ức chế, hay kích hoạt một vài thành phần của bộ khung này nhằm mục đích trị liệu nhiều căn bệnh như suy tim, ung thư, hay hủy hoại cơ bắp (muscle wasting).

Cấu trúc xương tế bào

Hợp chất mà Morgans cần là một tác nhân chống ung thư có tên gọi ispinesib. Nó có tác dụng ức chế thoi vô sắc, một protein có vai trò quan trọng trong quá trình nguyên phân, và cũng là một chất ức chế đầu tiên loại này hứa hẹn có thể phát triển cho giai đoạn nghiên cứu lâm sàng, theo Cytokinetics. Dữ liệu thu được từ việc thử nghiệm trên thú vật cho thấy nó có thể ngăn cản sự hoạt động của protein phân bào này, và giúp tiêu diệt các tế bào ung thư đang phân chia mà không ảnh hưởng đến những tế bào lành khác.

Mặc dù protein thoi vô sắc là một mục tiêu mới của các nghiên cứu dược phẩm, ispinesib lại được khám phá nhờ vào kĩ thuật sàng lọc bởi thông tin từ các thư viện truyền thống có lưu lượng cao, kết hợp với các kỹ thuật hàng đầu về tối ưu hóa tổng hợp hóa dược.

Con đường đi đến kết quả, tuy nhiên, đã nảy sinh nhiều vấn đề. Như hầu hết các tổng hợp hóa dược khác, mục tiêu đặt ra là tốc độ và tính dễ dàng để sản xuất các hợp chất cùng loại. Chi phí và khả năng thương mại, là những điều chưa được xem xét đến.

Chuỗi tổng hợp bao gồm 11 bước phản ứng, Yiannikouros cho biết, và tổng hiệu suất của cả quy trình chỉ đạt 8%. Hơn nữa, nó còn gặp nhiều khó khăn khác mà có thể trở thành vấn đề không thể giải quyết khi sản xuất trên quy mô công nghiệp. Như các hoạt chất kháng ung thư khác, ispinesib là một chất độc cho tế bào, và chỉ có những công ty chuyên môn như Irix mới được trang bị dụng cụ xử lý chúng. Các đặc tính của một số tiền chất, cũng có thể tạo ra nhiều thách thức khó lường cho nhà sản xuất khi tiến hành nâng cỡ lô.

Một số vấn đề khác trong quá trình tổng hợp bao gồm nhu cầu cần có các chất phản ứng nguy hiểm như bromine hay các hợp chất azide, liên quan đến khả năng phân giải tách chiral ở đoạn cuối quy trình, một chuỗi bên kém bền và phải được sử dụng với số lượng nhỏ ngay trong quá trình chuẩn bị phản ứng.

Sử dụng các quy trình tổng hợp hóa dược, Irix đã điều chế ra được khoảng vài trăm gram ispinesib với nhà máy theo tiêu chuẩn GMP của FDA. Nhưng với những vấn đề còn tồn tại, cả hai bên đối tác đều hiểu rằng một cách tiếp cận mới là cần thiết. “Vì vậy, song song, Cytokinetics chấp thuận đề nghị của chúng tôi về việc tìm kiếm một con đường thay thế,” Yiannikouros kể lại.

Mặc dù là giám sát chính của hơn 100 khoa học gia và đội ngũ kỹ thuật, Yiannikouros lại là một nhà quản lý thực hành sát với nghĩa đen nhất. “Mỗi khi có một cơ hội với khách hàng về một hợp chất hay một quy trình mới, tôi lại bước vào phòng thí nghiệm và tự mình tiến hành các thao tác.” Ông nói, “đối với tôi, đó thật sự là một niềm đam mê”.

Tại đó, ông triệu tập một nhóm làm việc và bắt đầu suy nghĩ về phương pháp tổng hợp mới. Chìa khóa của vấn đề, là tìm cách tốt hơn để tạo ra trung tâm chiral của ispinesib. Các nhà hóa học đã đề xuất một phương pháp mà trong đó, trung tâm chiral được hình thành với một acid d-amino. Từ đó họ đã hoàn chỉnh con đường tổng hợp tiên tiến hơn, với các bước trung gian giai đoạn cuối giống với phương pháp hiện hành.


Khoảng thời gian đó cũng là lúc một đối tác thứ ba tham gia vào liên doanh. Tháng 6 năm 2001, Cytokinetics đã bắt đầu hợp tác với GlaxoSmithKline để phát minh và phát triển các thuốc phân tử nhỏ điều trị ung thư và nhiều bệnh khác bằng cách can thiệp vào quá trình gián phân. Cytokinetics đã được cấp một nguồn tài trợ trị giá hơn 50 triệu USD và có cơ hội làm việc với một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới.

Đối với Irix, việc tham gia của GSK có nghĩa là công ty sẽ học hỏi được nhiều về quản lý chất lượng của tập đoàn này, cũng như quy trình mới sẽ được nghiên cứu kĩ lưỡng bởi đội ngũ chuyên gia của họ. GSK đã chấp thuận với một yêu cầu: phát triển một chuỗi bên mới nhằm loại bỏ vấn đề phát sinh từ các phản ứng trung gian trong chuỗi tổng hợp.

Cuối cùng, Irix đã cắt tỉa và rút gọn được quy trình hoàn chỉnh với chỉ 6 bước. Họ cũng thành công trong việc tránh khỏi các vấn đề phức tạp về độ phân giải sắc kí, các chất phản ứng nguy hiểm, và những điều phiền phức từ một vài phản ứng trung gian. Nhìn chung, hiệu suất đã được nâng lên 40%, không những thế, Yiannikouros còn cho biết chi phí của quy trình tổng hợp hóa dược đã giảm xuống nhiều lần.

Được trao tặng vào năm 2006, bằng sáng chế bao gồm cả việc sử dụng một acid amin để tạo thành trung tâm chiral của quinazolinone, khung cơ bản mà một trong những dẫn xuất của nó là ispinesib. Một bằng sáng chế quy trình như vậy không chỉ giúp bảo vệ những cải tiến về công nghệ, nó còn có thể ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng và thậm chí có thể kéo dài được thời gian khai thác thuốc đó ngay cả khi quyền bảo hộ bằng sáng chế hết hạn.

Thật không may, để có thể phát triển thành công một thuốc ra thị trường, người ta cần nhiều thứ hơn là chỉ với các quy trình tổng hợp hóa dược. Tháng 12/2008, GSK thông báo rằng họ sẽ không tiếp tục đầu tư để đăng kí ispinesib nữa. Cho đến tháng 12, hai công ty đã chấm dứt hợp tác, và Cytokinetics đã dừng mọi nghiên cứu về lĩnh vực ung thư. Vào tháng 6, Cytokinetics có tiết lộ một số kết quả tạm thời từ Phase I/II của nghiên cứu lâm sàng đánh giá hiệu quả của ispinesib trên các bệnh nhân ung thư vú đã phát triển hoặc di căn. Công ty cho biết “các kết quả thu được là rất đáng khích lệ”, nhưng kể từ đó họ không tiết lộ gì hơn về tương lai của Ispinesib, có thể nghĩ rằng họ đang tìm một đối tác mới có thể giúp họ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo cho hoạt chất kháng ung thư đầy hứa hẹn này.

Mặc dù không còn nỗ lực nghiên cứu về các khối u nữa. Cytokinetics vẫn đang phát triển các dược chất tác động vào bộ xương tế bào để trị bệnh rối loạn về cơ. Một trong những hoạt chất hứa hẹn, omecamtiv mecarbil trị suy tim, là đề tài mà họ đang hợp tác với Amgen. Cytokinetics cũng còn nhiều hợp chất tiềm năng khác để có thể phát triển.

Về phần mình, Irix tiếp tục là một phần của các nỗ lực trên cơ sở 10 năm hợp tác chặt chẽ. “Chúng tôi gọi cho họ như thường lệ để hỏi thăm chuyện gì đang diễn ra, và chúng tôi đến đó, làm việc với các nhà khoa học tại chỗ, trong phòng thí nghiệm cũng như trong các dây chuyền sản xuất”.
Sau nhiều năm trong ngành công nghiệp dược phẩm, Morgans đã học được một số bài học làm thế nào để thành công trong kinh doanh. Một trong số đó xuất phát từ quan hệ đối tác giữa Cytokinetics và Irix. "Xây dựng quan hệ giữa những người có trách nhiệm trong công việc", ông nói. "Mọi thứ sẽ được thực hiện, và nó sẽ được thực hiện theo cách tốt nhất."

pubs.acs.org

jeudi 27 mai 2010

Thuốc bán chạy nhất trong năm 2014 sẽ là …?

Câu trả lời chính là … Avastin của Roche, một loại thuốc khá nổi tiếng dùng để chữa trị nhiều căn bệnh ung thư. Tất cả mọi người đều rất tò mò muốn biết ngôi sao của tương lai sẽ là ai, và Reuters đã công bố bảng xếp hạng theo dự đoán của mình. Điều thú vị trong danh sách này là có vẻ như sẽ chỉ có duy nhất một loại thuốc viên được nằm trong top 10 dược phẩm bán chạy nhất vào năm 2014. Nói cách khác, các loại thuốc tiêm sẽ hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường, chủ yếu nằm trong lĩnh vực trị ung thư và viêm khớp. Còn trong năm nay, ngôi quán quân được dự đoán vẫn là Lipitor và Plavix, 2 thuốc ‘bom tấn’ mà sẽ lần lượt hết hạn bảo hộ độc quyền trong năm 2011 và 2012.
Nếu cho rằng bảng dự đoán này là tương đối chính xác, nó sẽ nói lên điều gì ? Không có nhiều thuốc mới xuất hiện, liệu các tập đoàn có tiếp tục đổ thêm tiền vào các phòng thí nghiệm để nghiên cứu ? Liệu thuốc uống có phải đã lỗi thời, và điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí mà bệnh nhân phải chịu như thế nào ?

Dự đoán top 10 thuốc brand name trong năm 2014 :
1. Avastin (cancer) Roche $8.9 bln
2. Humira (arthritis) Abbott (ABT.N) $8.5 bln
3. Enbrel (arthritis) Pfizer(PFE.N)/Amgen(AMGN.O) $8.0 bln
4. Crestor (cholesterol) AstraZeneca (AZN.L) $7.7 bln
5. Remicade (arthritis) Merck(MRK.N)/J&J(JNJ.N) $7.6 bln
6. Rituxan (cancer) Roche $7.4 bln
7. Lantus (diabetes) Sanofi-Aventis (SASY.PA) $7.1 bln
8. Advair (asthma/COPD) GlaxoSmithKline (GSK.L) $6.8 bln
9. Herceptin (cancer) Roche $6.4 bln
10.NovoLog (diabetes) Novo Nordisk (NOVOb.CO) $5.7 bln

Dự đoán trong năm 2010 :
1. Lipitor (cholesterol) Pfizer $11.7 bln
2. Plavix (anticlotting) Sanofi/Bristol (BMY.N) $9.6 bln
3. Advair (asthma/COPD) GlaxoSmithKline $9.0 bln
4. Remicade (arthritis) Merck/J&J $7.4 bln
5. Enbrel (arthritis) Pfizer/Amgen $7.1 bln
6. Humira (arthritis) Abbott $6.8 bln
7. Avastin (cancer) Roche $6.7 bln
8. Rituxan (cancer) Roche $6.1 bln
9. Diovan (hypertension) Novartis $6.0 bln
10.Crestor (cholesterol) AstraZeneca $5.8 bln
pharmalot.com

mercredi 26 mai 2010

Áp dụng sơ đồ Ishikawa để phân tích nguyên nhân – kết quả : một ví dụ thực tiễn


Phương pháp Ishikawa, hay biểu đồ Ishikawa, biểu đồ xương cá (fishbone diagram), biểu đồ nguyên nhân - kết quả (cause-and-effect diagram), là một phương pháp hay sử dụng trong doanh nghiệp nhằm nhận diện vấn đề và đưa ra giải pháp trong quản lý, lãnh đạo. Phương pháp này được đề xuất bởi một người Nhật là ông Kaoru Ishikawa vào những năm 1960. Ông là người tiên phong về quy trình quản trị chất lượng ở nhà máy đóng tàu của Kawasaki và được xem là một trong những người có công với quản trị hiện đại. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về công dụng cũng như phương pháp xây dựng biểu đồ Ishikawwa tại đây. Trong bài viết sau đây, tôi muốn giới thiệu một trường hợp ứng dụng phương pháp này để phân tích nguyên nhân – hệ quả một sự việc. Bối cảnh của ví dụ là một vấn đề trong bệnh viện :

« Sau một đơn khiếu nại của bệnh nhân, giám đốc của một bệnh viện có quy mô 400 giường muốn phân tích tại sao bệnh nhân của mình sau khi nhập viện thường được chuyển đến phòng X quang và phòng phẫu thuật chậm trễ hơn so với dự kiến. Ngài giám đốc đã giao phó nhiệm vụ này cho trưởng phòng quản lý chất lượng của bệnh viện, người sẽ tiến hành một cuộc họp gồm nhiều khoa phòng tham gia để tìm ra nguyên nhân và giải pháp, bằng cách sử dụng phương pháp Ishikawa. »

Cuộc họp đã được tiến hành với sự tham gia của nhiều thành viên đến từ các khoa phòng có liên quan :
- Trưởng khoa X quang
- Trưởng khoa Ngoại
- Trưởng bộ phận tiếp tân
- Nhân viên băng ca chuyển bệnh

Mục tiêu chính của cuộc họp này là sử dụng phương pháp Ishikawa để :
- Tìm hiểu quy trình hiện hành (chuyển bệnh nhân từ một bộ phận sang bộ phận khác)
- Xác định được vấn đề, nguyên nhân và hậu quả của nó thông qua các cuộc khảo sát, điều tra trước đó nhân viên của các bộ phận liên quan.
- Đề xuất giải pháp để cải thiện và phương án thực hiện giải pháp đó.

Sơ đồ sau đây sẽ mô tả các bước phân tích của phương pháp Ishikawa (bấm vào hình để phóng to hết cỡ)


1. Xây dựng sơ đồ Ishikawa với hậu quả đã được xác định rõ : "Bệnh nhân được chuyển đến phòng mổ và phòng X quang khá chậm trễ". Xác định những phạm vi mà các nguyên nhân có thể tìm thấy trong đó (ưu tiên phạm vi 5M mà phương pháp đề nghị : Con người (Man) – Phương tiện (Material) – Phương pháp (Method) – Cơ sở (Milieu) – Vấn đề (Matter), trong đó Vấn đề là các nguyên nhân gần nhất gây ra hậu quả)


2. Xác định toàn bộ nguyên nhân, phân loại chúng theo phương pháp 5M



3. Xác định mối tương quan giữa các nguyên nhân (ví dụ như không có lịch trình hiển thị trong khu vực bàn giao bệnh nhân => thông tin giữa các khoa phòng không được chuyển giao => bệnh nhân không được chuẩn bị thuốc men trước khi mổ trong thời gian cần thiết)


4. Xác định nguyên nhân thứ cấp (những nguyên nhân được kéo theo từ một nguyên nhân trước đó) (ví dụ như không có thông tin từ phòng mổ => khâu chuẩn bị thuốc trước khi mổ không thực hiện kịp trong thời gian yêu cầu) và chỉ giữ nguyên nhân chủ yếu (Ví dụ : không có bộ phận chuyển bệnh chuyên trách)
5. Đánh dấu tất cả các nguyên nhân chính



6. Tìm ra giải pháp khắc phục các nguyên nhân chính đó.


gmsih.fr

mardi 25 mai 2010

Wyeth bị kiện vì marketing trái phép một số chỉ định của Rapamune

Hai cựu trình dược viên mảng bệnh viện đã nộp đơn tố giác cáo buộc Wyeth, mà nay thuộc quyền sở hữu của Pfizer, vì quảng cáo trái phép thuốc Rapamune cho việc điều trị trong các ca cấy ghép nhiều loại cơ quan khác nhau, dù ban đầu thuốc này chỉ được FDA chấp thuận sử dụng trong những ca ghép thận. Ngoài ra, Rapamune còn bị cáo buộc đã tiếp thị cho nhóm bệnh nhân người Mỹ gốc Phi, trong khi nhóm này được xác định là nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao, theo tờ hướng dẫn sử dụng đính kèm của thuốc. Vụ kiện đã được đệ trình bởi Marlene Sandler và Scott Paris vào năm 2005, nhưng gần đây mới được tiết lộ và một khiếu nại mới được bổ sung thêm. Xem vụ kiện.

Trong hồ sơ cáo trạng, hai cựu trình dược viên nói rằng các quản lý của Wyeth đã "công khai khuyến khích và chỉ đạo toàn bộ lực lượng bán hàng của Rapamune" quảng cáo, thúc đẩy các bác sĩ kê đơn trong nhiều ca ghép tim, phổi, tụy, tế bào đảo nội tiết, mặc dù những chỉ định này là chưa bao giờ được phép của FDA. Các trình dược viên, trong thực tế, đã được công ty cung cấp các báo cáo, abstracts, và danh sách các nghiên cứu ngoài nhãn để sử dụng khi tiếp thị Rapamune nhằm chứng minh cho việc dùng thuốc ngoài hướng dẫn cho phép. Và Wyeth cũng bị cáo buộc là đã ‘trả ơn’ cho các bác sĩ và bệnh viện thông qua hình thức của những khoản quyên góp, tài trợ, hay thù lao diễn thuyết nhằm mục đích kê đơn ngoài hướng dẫn Rapamune.

Viện dẫn một trong rất nhiều chứng cứ cung cấp, hồ sơ vụ kiện chỉ rõ rằng FDA không bao giờ cho phép sử dụng Rapamune trong trường hợp một thuốc ức chế miễn dịch khác đã được sử dụng cho bệnh nhân và sau đó lại chuyển sang dùng Rapamune, đây là kiểu thực hành mà Wyeth gọi là "sự đổi thuốc". Thực tế, FDA thậm chí còn ban hành nhiều cảnh báo liên quan đến loại thực hành này vào năm 2004 và 2007. Vậy mà Wyeth đã tiếp thị Rapamune cho việc sử dụng phối hợp với nhiều loại thuốc không được ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng, hồ sơ tố tụng cáo buộc.

"trong năm 2005, bệnh viện Mayo đã tỏ ra lo ngại rằng các bệnh nhân chuyển đổi thuốc chống thải ghép sẽ phải chịu những tác dụng phụ rất nguy hiểm từ Rapamune, nhưng tập đoàn này đã không có động thái nào trước thông tin đó", cáo trạng nêu rõ.

Rapamune được đề nghị cho bệnh nhân uống sau khi trải qua một ca ghép thận, và được dùng phối hợp với cyclosporine và corticosteroids. Tuy nhiên, cyclosporine được yêu cầu ngừng sử dụng sau 2-4 tháng, vì nó có thể gây độc cho thận. Đối với nhóm bệnh nhân Mỹ gốc Phi và một số nhóm bệnh nhân nguy cơ cao khác, bước ngưng thuốc trên là không được phép, các bệnh nhân người Mỹ gốc Phi được xem là có nguy cơ cao bởi vì họ có một hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh mẽ hơn so với các nhóm bình thường. Vì vậy, những nhà quản lý của Wyeth bị cáo buộc rằng đã biết nhưng làm ngơ trước các dữ liệu không đầy đủ về tính an toàn của Rapamune đối với các bệnh nhân nhóm nguy cơ cao này.

"Bất chấp những thông tin không đầy đủ về tác động trên các nhóm bệnh nhân nguy cơ cao, Wyeth đã nhắm vào nhiều trung tâm ghép nội tạng chuyên phục vụ cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi, chủ yếu trong các khu vực đô thị. Điển hình vào năm 2005, quản lý bán hàng của Wyeth đã chọn trung tâm y tế Einstein Medical Center của Philadenphia như là khu vực trọng điểm để triển khai kế hoạch marketing của họ nhằm mục đích tăng nhanh lượng tiêu thụ Rapamune trong vòng 90 ngày. Tại trung tâm đó, tỷ lệ các bệnh nhân da đen chiếm đến 75 phần trăm."

Wyeth cũng đã hướng dẫn các trình dược viên sử dụng nhiều bài báo khoa học, bao gồm một bài đăng trên tạp chí Trasplantation vào tháng 7 năm 2002 để tiếp thị cho trường hợp sử dụng phối hợp Rapamune mà không được phép của FDA. Nghiên cứu đó mô tả các kết quả về việc thử phối hợp thuốc trên 56 bệnh nhân ghép thận người Mỹ da đen và cho thấy hiệu quả tương đương với các bệnh nhân da trắng dựa trên những tiêu chí về hiện tượng loại thải cấp tính, tỷ lệ sống của cơ quan ghép và tỷ lệ sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, nghiên cứu này không nằm trong các nghiên cứu được trình bày trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc mà FDA đã thông qua.

Ngoài ra, vụ kiện còn cáo buộc rằng trong một bảng số liệu từ năm 2002 có tên "Grants In Aid" cho thấy, khoảng 35 cuộc thử nghiệm độc lập về Rapamune đã được chấp thuận bởi các bác sĩ nằm trong địa bàn hoạt động của đội ngũ trình dược viên Rapamune. Trong các nghiên cứu đó, chỉ có một vài trường hợp là được Wyeth cung cấp thuốc miễn phí, đa số còn lại đều phải trả tiền mua thuốc và nhiều bác sĩ, bệnh viện đã nhận được tổng cộng khoảng $300.000 đến $400.000 tiền "lại quả" cho các phi vụ này. Tập tài liệu "Grants In Aid" cũng cho biết người ta đã tiêu tốn khoảng 7 triệu USD dành cho các nghiên cứu đó.
pharmalot.com

samedi 22 mai 2010

Phương pháp "mù đôi" trong nghiên cứu lâm sàng

Lang thang trên mạng, tìm được một clip về thử nghiệm lâm sàng, tự nhiên muốn ôn lại một chút kiến thức thời còn học đại học.

Mục đích chính của việc thiết kế các phương pháp “mù đôi”, “mù đơn” là nhằm loại bỏ những yếu tố gây nhiễu như thiên vị trong chọn mẫu nghiên cứu, trong đánh giá kết quả. Một số ý chính của clip như sau:
Trong nghiên cứu lâm sàng, bệnh nhân sẽ được tuyển chọn từ 1 quần thể dân số đủ lớn để có thể cho ra kết quả nghiên cứu có ý nghĩa.
Các đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ được “làm mù”, nghĩa là họ chỉ biết mục đích của nghiên cứu, chứ không biết cụ thể mình sẽ được thử thuốc gì. Tất cả tên họ của bệnh nhân sẽ được thay bằng các mã số và chỉ có những nhân viên chuyên trách được chỉ định mới có thể ráp lại mã số ứng với tên bệnh nhân.
Những bệnh nhân được làm mù và đã hoàn toàn khuyết danh này sẽ được chia ngẫu nhiên làm 3 nhóm, tương ứng với 3 liệu pháp điều trị: Liệu pháp đang thử nghiệm, liệu pháp đang hiện hành và liệu pháp đối chứng (hay liệu pháp giả dược – không dùng thuốc gì cả, liệu pháp này có mục đích là chứng tỏ sự khác biệt giữa việc không dùng thuốc và liệu pháp đang được hiện hành). Ba liệu pháp trên sẽ được mã hóa và kí hiệu là A, B và C. Tất cả thuốc sử dụng cho các liệu pháp đều hoàn toàn giống hệt nhau, chỉ có thành phần bên trong là khác.
Ba liệu pháp trên sẽ được tiến hành bởi 3 đội ngũ bác sĩ khác nhau (tất cả bác sĩ này cũng bị “làm mù”, nghĩa là không biết được rằng mình đang điều trị bằng liệu pháp nào), họ điều trị theo phác đồ được cho trước và ghi nhận lại các kết quả của liệu pháp.
Sau khi có kết quả rồi, họ mới gỡ bỏ các kí hiệu A, B, C đi và xem chúng là liệu pháp nào, và đưa ra nhận xét cuối cùng.
Thử nghiệm lâm sàng sẽ được tiến hành nhiều lần, nếu mọi lần đều cho kết quả tương tự nhau, liệu pháp điều trị mới sẽ được công nhận và được cơ quan thẩm quyền cho áp dụng vào điều trị.

vendredi 21 mai 2010

Kế hoạch liên tục kinh doanh (Business Continuity Plan) là gì ?


Kế hoạch liên tục kinh doanh (Business Continuity Plan) là một bản kế hoạch hậu cần thực tiễn được xây dựng, triển khai nhằm giúp các doanh nghiệp có thể phục hồi hoạt động sau khi bị gián đoạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động sau khi một tai họa bất ngờ ập đến.

Vì sao cần phải có một bản kế hoạch liên tục kinh doanh BCP ?

Vì trong môi trường kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp phải thường trực đối mặt với rất nhiều rủi ro xảy đến do thiên tai, sự cố mà thiên nhiên hay con người gây ra, từ những sự cố mất điện, hỏng máy nhỏ nhặt đến các tai biến lớn hơn như hỏa hoạn và tới những thảm họa động đất hoặc khủng bố kinh hoàng kiểu vụ 11/09, tất cả biến cố mọi cấp độ như vậy đều khiến cho doanh nghiệp phải chịu nhiều thiệt hại về kinh tế, hình ảnh, uy tín cũng như nguy cơ mắc vào các tranh chấp kiện tụng pháp luật, từ đó ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp. Theo một nghiên cứu của Contingency Planning Research, khi được hỏi "Công ty của quý vị sẽ có nguy cơ sụp đổ nếu phải ngừng làm việc trong bao lâu ?", 70% công ty đã trả lời là "trong 72h" và có 4% nói rằng công ty họ sẽ biến mất nếu không thể phục hồi các hoạt động ngay trong giờ đầu tiên. Cũng trong khảo sát đó, 15% doanh nghiệp cho biết mỗi giờ không hoạt động họ sẽ thiệt hại khoảng 50.000 – 100.000 USD và 4% nói rằng con số này có thể lên đến trên 5.000.000 USD.

Bài học từ vụ khủng bố ngày 11/09 cho thấy, đối với những thảm họa mà tác động của nó vô cùng kinh hoàng trong khi xác suất xảy ra là vô cùng nhỏ bé, việc hoạch định sẵn một kế hoạch ứng phó vẫn là hữu ích. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn có thể tồn tại sau thảm họa trên dù phải chịu tác động cực lớn từ nó.

Với những lí do như vậy, việc xây dựng một kế hoạch liên tục kinh doanh (Business continuity plan) là nhu cầu then chốt trong hoạt động của các doanh nghiệp. Nếu được xây dựng hiệu quả, bản kế hoạch này sẽ giúp các công ty có thể :
- Hạn chế được tối đa các hậu quả mà tai họa mang đến cho công ty cũng như cho khách hàng.
- Khả năng trở lại hoạt động trong thời gian sớm nhất có thể
- Trấn an và đáp ứng được yêu cầu về thông tin của khách hàng cũng như các đối tác.

Trong quá trình xây dựng một bản kế hoạch BCP, một trong những bước quan trọng nhất đó chính là giai đoạn "phân tích và đánh giá rủi ro". Trong giai đoạn này, từ việc đánh giá, xem xét tất cả tài sản quan trọng và các quy trình then chốt của doanh nghiệp mình, nhà quản trị phải xác định được những nguy cơ, tai họa có thể xảy đến với doanh nghiệp cũng như mức độ hậu quả mà nó mang đến. Sau đó, họ có thể hoạch định trước một số kịch bản thảm họa chính sẽ xảy ra và có kế hoạch ứng phó. Phải lưu ý một điều rằng, khi đề ra các giải pháp ứng phó như vậy phải tính đến vấn đề chi phí để thực hiện chúng, như vậy mới xác định được rõ quy mô của kế hoạch phù hợp với nhu cầu cũng như nguồn lực của công ty. Kế hoạch sau khi được xây dựng hoàn chỉnh thì phải được phổ biến, tuyên truyền cho toàn thể nhân viên để nâng cao nhận thức cảnh giác, và quan trọng là cần thường xuyên thực hiện việc bảo trì, tiến hành diễn tập, test kiểm tra khả năng hoạt động của những giải pháp dự phòng đó. Cuối cùng là đánh giá, kiểm soát định kì nhằm phát hiện thêm những rủi ro mới để chỉnh sửa, cập nhật bản kế hoạch BCP của doanh nghiệp mình.
Hình : Vòng tròn xây dựng và triển khai kế hoạch BCP


Một số nội dung quan trọng trong một bản kế hoạch BCP (nó bao gồm những bản kế hoạch chi tiết)

+ Kế hoạch ngăn ngừa tai họa : nội dung bao gồm những việc làm, giải pháp cần thiết để giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa khả năng xảy ra cũng như tác động mà tai nạn hay thảm họa mang đến.
Ví dụ : Ban hành các nội quy cấm mang chất cháy nổ vào nhà xưởng, thường xuyên kiểm tra các công cụ chữa cháy, hợp đồng thuê sẵn các site dự phòng cho doanh nghiệp, các kế hoạch và giải pháp lưu trữ back-up dữ liệu một cách an toàn (RAID, Mirror, Redundance…)

+ Kế hoạch ứng phó khi diễn ra thảm họa : bao gồm các công việc cần làm ngay khi thảm họa diễn ra.
Ví dụ
- Triệu tập Hội đồng ứng phó thảm họa (hội đồng này cần được xây dựng bao gồm những nhân vật quan trọng của công ty như Tổng giám đốc, Giám đốc kĩ thuật, giám đốc tin học, Trưởng phòng nhân sự, trưởng ban truyền thông …)
- Đánh giá mức độ của thảm họa, từ đó quyết định triển khai hay không các kế hoạch ứng phó
- Kế hoạch thông báo kịp thời với khách hàng, các đối tác, chính quyền, báo chí…
Trong giai đoạn này, những công việc cần được làm khẩn cấp, nếu được thực hiện tốt, hậu quả của tai họa có thể được giảm bớt.

Kế hoạch hoạt động tạm thời : là bản kế hoạch mô tả việc phục hồi hoạt động của các quy trình thiết yếu doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất, mặc dù nhiều thiệt hại vẫn còn chưa được khắc phục. Để xây dựng kế hoạch này, cần thực hiện một bản mô tả những điều kiện tối thiểu mà các bộ phận thiết yếu có thể làm việc được. Trong bản mô tả này có một số thông tin sau :
- Số nhân viên, thiết bị tối thiểu của bộ phận để có thể hoạt động. Ví dụ : Phòng nhân sự bình thường hoạt động với 5 nhân viên, nhưng trong điều kiện tối thiểu thì có thể làm việc với 3 nhân viên.
- Thời gian ngưng hoạt động tối đa của bộ phận : nếu quá thời gian này mà bộ phận đó không được phục hồi thì sẽ phải chịu một thiệt hại nặng khó chấp nhận. Ví dụ: Quy trình sản xuất chỉ được ngưng tối đa 3 ngày.
- Thời gian hoạt động tạm thời tối đa (sau thời gian này bộ phận đó cần phải được trở lại hoạt động bình thường)

Kế hoạch trở lại hoạt động bình thường : bản kế hoạch này mô tả việc phục hồi toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp trở lại như thời điểm trước khi xảy ra thảm họa. Trong quá trình này, mọi thiệt hại do thảm họa mang đến đều được khắc phục, sửa chữa, phục hồi hoặc thay mới tùy vào mức độ thiệt hại.

BCP Manager :
Là người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý các kế hoạch BCP trong doanh nghiệp. Những nhiệm vụ cụ thể của chức danh này gồm :
- Quản lý đội ngũ và quá trình xây dựng kế hoạch BCP phù hợp cho công ty
- Đảm bảo các kế hoạch BCP hoạt động hiệu quả, tổ chức bảo trì, diễn tập
- Tổ chức và tham gia các hoạt động thẩm định định kì, kiểm tra và cập nhật bản kế hoạch.

Một số ví dụ về rủi ro hay gặp và các phương án khắc phục đề ra :

- Một phần hay toàn bộ thiết bị, cơ sở, bị phá hủy do cháy, nổ, khủng bố, động đất
=> Sắp xếp sẵn các site dự phòng, lưu trữ các tài liệu quan trọng bên ngoài, thường xuyên cảnh giác nhân viên trong nội bộ về các nguy cơ, mua bảo hiểm …
- Sự gián đoạn đột ngột của một nhà cung cấp nguyên liệu hay dịch vụ thiết yếu
=> Xây dựng chính sách đa dạng hóa các nhà cung cấp, thường xuyên theo dõi kiểm tra năng lực của nhà cung cấp, các phương án thay thế…
- Một nhân vật chủ chốt của công ty biến mất hay đột ngột mất khả năng chỉ đạo
=> Xây dựng các chính sách phân bổ quyền hạn dự phòng, hồ sơ hóa các công việc chủ chốt,…
- Giao thông trong đô thị bị tắc nghẽn, kẹt xe…
=> Chính sách làm việc, quản lý từ xa…
- Nhân viên bị dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm trong căn tin…
=> thường xuyên kiểm tra vệ sinh căn tin, xây dựng bộ phận y tế, kế hoạch tuyển dụng nhân viên tạm thời…


jeudi 20 mai 2010

Y tế 2.0 : xu hướng tất yếu của thế giới nhưng có quá xa vời ở Việt Nam ?




Trong 2 ngày, khuôn viên đại học nổi tiếng Cité Universitaire tại Paris đã tạm thay đổi nhịp làm việc bình thường để tổ chức một hội nghị châu Âu về chủ đề e-health, hội nghị đã quy tụ hơn 500 cá nhân và tổ chức hoạt động chính trong lĩnh vực Y tế ứng dụng Internet. Từ những blogger nổi tiếng cho đến các nhà đầu tư tò mò ; từ những webmaster trên Twitter, các nhà quản lý dự án cho đến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực mới mẻ này, tất cả đều có cơ hội gặp gỡ nhau và trao đổi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội kinh doanh nhờ vào sự kiện European Health 2.0 lần đầu tiên được tổ chức tại châu Âu.

Ngày nay, khả năng sử dụng Internet và những tiện ích tuyệt vời của nó đã trở nên rất phổ biến, và ứng dụng của Internet vào y tế là một lĩnh vực đầy hứa hẹn. Những màn hình cảm ứng, những hồ sơ bệnh nhân được tin học hóa để chia sẻ dễ dàng giữa các bác sĩ, những chỉ số sinh học được kiểm tra chặt chẽ theo thời gian thực, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân từ xa, trao đổi thông tin giữa các bác sĩ từ xa nhờ Internet : tất cả những ứng dụng mà trước đây chỉ có thể nghĩ đến trong truyện viễn tưởng, thì bây giờ đang dần trở thành hiện thực. Chúng ta có thể tưởng tượng, trong các thiết bị viễn thông nghe nhìn hiện đại như iPhone, iPad sẽ được tích hợp những ứng dụng chăm sóc sức khỏe, và chúng sẽ kết nối trực tiếp 24/24 với các trung tâm y tế và do đó, bệnh nhân sẽ nhận được các thông tin mọi lúc mọi nơi.

Nhìn chung, mọi người ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe của bản thân, và họ muốn sử dụng Internet để có thể tìm hiểu thêm về nó, trước và sau khi đến khám bác sĩ. Với việc sử dụng những tiện ích web health ngày càng được mở rộng, nó đã thay đổi hoàn toàn quan hệ giữa bệnh nhân, bác sĩ và đội ngũ chăm sóc. Trong hệ thống đó, bệnh nhân có quyền được tiếp cân nhiều hơn đến các thông tin về sức khỏe của mình, và họ cũng có cơ hội tìm hiểu rõ những biện pháp điều trị mà họ sắp sửa trải qua.

Tuy nhiên, những tiến bộ như vậy sẽ không thể thực hiện mà không tính toán đến những rủi ro, những khoản đầu tư lớn, sự phá bỏ những giới hạn truyền thống, cũng như một hệ thống đồng bộ về y học, kỹ thuật và pháp lý. Ngay cả tại Pháp, mọi thứ cũng chỉ bắt đầu giống như một anh tân binh trong phi vụ nhảy dù đầu tiên của mình! Thế nhưng, Y tế 2.0 thật sự là một khái niệm gì đó xứng đáng được nghĩ đến và xem xét chứ không chỉ là những nghi ngờ và suy nghĩ viển vông.

dimanche 16 mai 2010

Bệnh viện qua một góc nhìn của người Pháp

Hội tụ gồm các diễn viên hài thuộc loại "điên hết cỡ" trong những trang phục phảng phất mùn ether, một trường quay trang trí mô phỏng lại khung cảnh lạnh lùng của bệnh viện nhưng lại diễn ra những pha gây cười chảy nước mắt. Hài hước nhưng không lố bịch, đó cũng là những gì mà ê kíp của chương trình “CLINIC”, một seri truyền hình hài kịch về ngành y tế của Pháp mong muốn mang đến cho khán giả của họ. Xin giới thiệu với các bạn Chương trình số 2 của seri, nếu muốn xem nữa thì mình có thêm Chương 1 cũng như Chương 3.


clinic-serie



Còn đây là clip giới thiệu của chương trình

http://www.youtube.com/watch?v=Sp-2Bq8h1qU

supergelule.fr

samedi 15 mai 2010

Singapore: Give blood, give life

It’s a pretty clip from the health authorities of Singapore to promote blood donation. Apparently, the campaign was in 2008.

vendredi 14 mai 2010

Tìm hiểu về nhập khẩu song song (Parallel Import)

nhập khẩu song song (Parallel Import - PI), còn gọi là thị trường ‘nhập khẩu xám’ (gray market import), là hiện tượng những hàng hoá được sản xuất dưới sự bảo hộ đầy đủ của các luật thương hiệu, bằng sáng chế, hoặc bản quyền, chúng được đưa vào lưu thông trong một thị trường, và sau đó được nhập khẩu vào một thị trường thứ hai mà không được phép của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ trong địa bàn đó. Các chủ sở hữu này thường là một đại lý địa phương được các nhà sản xuất cấp phép phân phối cho sản phẩm của mình.

Ví dụ, nó là hợp lệ khi một công ty kinh doanh mua một lượng thuốc kê toa ở Tây Ban Nha, sau đó nhập khẩu vào Thụy Điển hay Đức mà không có sự chấp thuận của nhà phân phối địa phương sở hữu quyền sáng chế tại 2 nước đó. Trong thực tế, các quy tắc của thị trường nội bộ trong Liên minh châu Âu cho phép thương mại song song giữa những quốc gia thành viên trong hầu hết tất cả các hàng hoá. Lưu ý rằng các hàng hóa nhập khẩu song song là hàng hóa hợp pháp tại thị trường ban đầu, chúng không phải là hàng giả mạo, hàng lậu hay hàng hóa ăn cắp.
Như vậy, hàng hóa nhập khẩu song song hoàn toàn giống với các sản phẩm chính thức của nước sở tại, ngoại trừ rằng chúng có thể được đóng gói khác nhau và có thể không có bảo hành của nhà sản xuất gốc.

Nguyên nhân của nhập khẩu song song thường là :

Các công ty, hoặc là nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, do nhiều nguyên nhân đã thiết lập mức giá khác nhau cho cùng một sản phẩm của mình tại các thị trường khác nhau. Vì thế, các nhà nhập khẩu song song thường mua sản phẩm tại một quốc gia có mức giá (P1) rẻ hơn giá mà chúng được bán chính thức ở một nước thứ hai (P2), sau đó họ nhập khẩu các sản phẩm này vào nước thứ hai, và bán các sản phẩm ở nước này tại một mức giá mà thường nằm giữa P1 và P2


Về vấn đề này, thực sự đã có nhiều tranh cãi giữa những người ủng hộ và phản đối xung quanh tính hợp pháp của việc nhập khẩu song song, nó liên quan đến một học thuyết gọi là “Học thuyết hết quyền – Exhaustion doctrine” hay còn gọi là học thuyết “bán lần đầu – first sale doctrine”. Theo học thuyết đó, lợi nhuận có được từ việc các công ty bán sản phẩm của mình lần đầu tiên ra thị trường là đã đủ để đền đáp cho công ty đó trong việc nghiên cứu ra sản phẩm. Kể từ đấy họ sẽ không còn quyền hạn gì về sở hữu trí tuệ với sản phẩm đó nữa, nói cách khác họ không thể can thiệp vào những gì xảy đến tiếp theo đối với các sản phẩm đã bán ra trên thị trường. Tuy nhiên, quan niệm về tính đúng đắn của học thuyết đó là khác nhau giữa các quốc gia. Những nước phản đối sẽ ban hành các luật lệ cấm việc nhập khẩu song song, trong khi các nước ủng hộ thì sẽ xem việc nhập khẩu như thế là hợp pháp.

Trong thị trường dược phẩm, quy định về nhập khẩu song song đã trở thành một vấn đề quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu. Những người ủng hộ một hệ thống quốc tế để bảo vệ chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ thì mong muốn một lệnh cấm nhập khẩu song song được ban hành trên phạm vi toàn thế giới. Họ lý luận rằng nếu như loại hình này được cho phép rộng rãi, nó sẽ làm giảm đáng kể lợi nhuận trong lĩnh vực nghiên cứu những dược phẩm đặc trị, và hậu quả là sẽ không thể khuyến khích và làm suy tàn công việc R&D để sáng tạo ra những loại thuốc tiên tiến. Hơn nữa, nhập khẩu song song sẽ làm các cơ quan y tế khó khăn hơn trong việc kiểm soát giá thuốc và ban hành các chính sách về thuốc của mình. Thế nhưng, cơ quan quản lý y tế ở các nước nghèo thì lại cho rằng khả năng tiếp cận được những nguồn cung ứng rẻ là rất quan trọng, vì vậy họ ủng hộ việc nhập khẩu song song. Cho dù không ủng hộ, họ cũng muốn dùng việc nhập khẩu song song để đe dọa và tạo sức ép để các nhà phân phối chính phải giảm giá thành sản phẩm của mình. Rõ ràng là những người hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển đặc biệt xem trọng việc tiếp cận những nguồn thuốc giá rẻ cho quốc gia mình hơn là việc ủng hộ việc đầu tư nghiên cứu R&D ở nước ngoài.

Tranh cãi này có thể được minh họa bằng một vụ kiện ở Nam Phi tiến hành bởi 39 nhà phân phối thuốc nhằm thay đổi Luật Dược năm 1997 của nước này mà theo đó, chính phủ có quyền cho phép nhập khẩu song song các loại dược phẩm trong trường hợp loại thuốc được bảo vệ độc quyền đó được bán với giá cao quá mức. Ngoài ra, nhiều nhà bào chế lớn mặc dù đã đồng ý cung cấp thuốc trị HIV/AIDS với chi phí thấp cho các quốc gia vùng cận Sahara châu Phi, nhưng họ vẫn lo ngại rằng các loại thuốc này có thể đi vào các thị trường giá trị hơn như Hàn Quốc, Nhật hay Brazil thông qua con đường xuất khẩu song song.

Tham khảo thêm:

- Wikipedia.org

- PARALLEL IMPORTS IN PHARMACEUTICALS: IMPLICATIONS FOR COMPETITION AND PRICES IN DEVELOPING COUNTRIES

http://vietbao.vn/Xa-hoi/Nhap-khau-song-song-thuoc-Tay-Giai-phap-nua-voi/40022627/157/

- QUY ĐỊNH VỀ NHẬP KHẨU SONG SONG THUỐC PHÒNG VÀ CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI

Báo cáo thị trường dược phẩm của một công ty chứng khoán

Báo cáo trên là tài liệu đầu tiên mình tìm thấy trên Internet viết bằng tiếng Việt. Báo cáo này cũng đề cập đến nhiều mặt của ngành Dược Việt Nam hiện nay giống như các báo cáo nước ngoài (BME thực hiện), 2 bài này có thể bổ sung nội dung cho nhau. Hơn nữa , viết tiếng Việt nên sẽ có điều kiện đọc kĩ hơn.

Theo quan điểm cá nhân mình, bài báo cáo do BME thực hiện trên quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam, còn báo cáo này thì do 1 công ty chứng khoán thực hiện nên sẽ chú trọng đến các thông tin mà các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm. Một hạn chế của báo cáo tiếng Việt là phân tích chưa nhiều về các tập đoàn nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.

(download)

mercredi 12 mai 2010

Thuốc OTC : Hơn nhau ở quảng cáo


Và trong quảng cáo, người ta lại hơn nhau ở chỗ ấn tượng hay không!
Các mẫu quảng cáo của nước ngoài thông thường khá sinh động, thông minh và ấn tượng. Mỗi một mẩu quảng cáo đều là một sự kết hợp hoàn hảo của hình ảnh, màu sắc và luôn có xu hướng tác động đến cảm giác của người xem, từ đó truyền tải được những nội dung sâu sắc. Đôi khi nhiều mẫu quảng cáo đòi hỏi người xem phải có một chút suy nghĩ để có thể hiểu được thông điệp chứa đựng trong đó. Tuy nhiên, khi hiểu ra thì lại thấy rất hay và người xem khi ấy sẽ nhớ rất lâu.

Hy vọng rằng quảng cáo dược phẩm nước mình sẽ sớm phát triển và bước ra khỏi giai đoạn “một người khỏe, hai người vui”!

Xin giới thiệu với mọi người một số poster quảng cáo thuốc lượm lặt trên Internet. (Bấm vào hình để phóng to)

Thuốc giảm đau

Quảng cáo của Voltaren

Panadol cho trẻ em với thông điệp: “trẻ em cũng bị nhức đầu”

Quảng cáo của Fenbid

Tà thuật – quảng cáo Advil

Bữa ăn thủy tinh – quảng cáo Mebucaine

thuốc dạ dày
Ăn không tiêu - GastroMilk

Con rùa tội nghiệp – ENO của GSK

Talcid của Bayer


Gelusil của Pfizer

ENO ANTACID của GlaxoSmithKline

Thuốc giảm cân

SLIM-FAST của Unilever Best Foods

Quảng cáo của LIPOCELL SLIMMING RANGE


Gold Shape – Saudi Arabia
Brand name: OTO TRIMAX SLIMMING BELT

Brand name: 4321 SLIM DETOX DIET

mardi 11 mai 2010

10 rủi ro chính mà các công ty trong lĩnh vực sức khỏe phải đối mặt

Trong ấn bản 2009 của mình, báo cáo hàng năm "Business Risk Report - Life Sciences"(pdf - 3,9 Mb) có một chiều hướng mới, kết hợp các phân tích của cả ngành dược phẩm lẫn công nghệ sinh học, dựa theo những thay đổi đang xảy ra trên thị trường.


Nghiên cứu trình bày 10 vấn đề chính mà các công ty trong lĩnh vực khoa học sức khỏe phải đối mặt, chúng được xác định theo một phương pháp có tên gọi “Business Risk Radar” được thiết kế đặc biệt cho lĩnh vực này. Trong phương pháp, Radar sẽ được chia thành 4 thể loại đại diện cho 4 lĩnh vực của rủi ro gồm : rủi ro về Tài chính (Financial), về Chiến lược (Strategic), về Hoạt động (Operations) và về Tuân thủ (Compliance).


lundi 10 mai 2010

Các tập đoàn khổng lồ bước vào sân chơi generic

Cho đến năm 2013, các tập đoàn dược phẩm dự kiến sẽ tung ra thị trường một loạt các thuốc điều trị thế hệ mới cho các chứng bệnh loãng xương, hô hấp, huyết khối, các chứng u xơ và nhiều thuốc đặc trị ung thư tiên tiến. Nhưng cho dù các sản phẩm này hứa hẹn sẽ là những dược phẩm rất giá trị, các công ty dược cũng không hy vọng rằng lợi nhuận chúng mang lại sẽ có thể bù đắp cho khoản doanh thu sắp sửa bị sụt giảm vì lý do hết hạn bảo hộ bằng sáng chế trong cùng giai đoạn, theo nhận xét của Michael Kleinrock, giám đốc của tổ chức chuyên nghiên cứu về thị trường y tế IMS Health.

Năm 2011 sẽ là năm có nhiều dược phẩm hết thời hạn bảo hộ

samedi 8 mai 2010

Xếp hạng 15 tập đoàn dược phẩm lớn nhất trên thế giới (Dựa theo doanh số năm 2009, IMS Health)

Vào tháng 4 năm 2010, tổ chức IMS đã công bố một số dữ liệu đầu tiên về thị trường dược phẩm thế giới.
Và dưới đây là danh sách xếp hạng của 15 công ty hàng đầu trong thị trường có tổng doanh thu hơn 750 tỷ USD này, dựa trên các số liệu của năm 2009. Ngoài ra, với một sự nhắc lại các số liệu của những năm trước (2008, 2007, 2006, 2005), chúng ta có thể thấy vị trí giữa các công ty không có nhiều sự thay đổi. một điểm lưu ý là có vẻ như năm 2009 không phải là năm thuận lợi của việc kinh doanh thuốc, khi chứng kiến sự sụt giảm doanh thu ở nhiều công ty so với 2008


(1- Pfizer, 2- Merck & Co, 3- Novartis , 4- Sanofi-Aventis , 5- GlaxoSmithKline (GSK), 6- AstraZeneca, 7- Roche, 8- Johnson and Johnson (J & J), 9- Lilly , 10- Abbott , 11- Teva , 12- Bayer, 13- Boehringer Ingelheim , 14- Amgen, 15- Takeda )

Industrie Pharmaceutique Blog

vendredi 7 mai 2010

Công ty dược thua kiện các bệnh nhân viêm gan C

Tình cờ đọc được một bài báo với một thông tin gây sốc về vấn đề an toàn khi truyền máu và phẫu thuật, càng giật mình hơn khi sự kiện lại xảy ra tại Mỹ, mình bỗng tự hỏi tình trạng ở VN thì như thế nào?

“Teva Parenteral Medicine và Baxter Healthcare Services đã phải trả hơn 5 triệu USD tiền phạt sau khi một toàn án phán xét rằng họ có trách nhiệm trong vụ lây lan dịch bệnh viêm gan siêu vi C tại Nam Nevada, theo báo cáo của The Las Vegas Review Journal.

Quan tòa đã phán xử rằng 2 công ty dược phẩm trên, cũng là nhà sản xuất loại thuốc gây tê propofol, đã không cung cấp đầy đủ những thông tin cảnh báo cần thiết kèm theo sản phẩm và lẽ ra họ không nên bán những chai thuốc gây mê có dung tích lớn như vậy cho các trung tâm phẫu thuật nội soi. Henry Chanin, 62 tuổi, và vợ đã khởi kiện sau khi ông trải qua một ca phẫu thuật nội soi vào năm 2006 tại một bệnh viện và trong thời gian ấy, ông đã bị nhiễm virus viêm gan C. Bệnh viện đó là một trong hai cơ sở y tế có liên quan đến việc lây lan dịch bệnh nguy hiểm này. Thẩm phán đã tuyên bố Henry Chanin sẽ được bồi thường 3,25 triệu USD và vợ ông cũng được đền bù 1,85 triệu USD.

Trong ba tuần tranh tụng, Henry Chanin cho biết ông đã bị đau khớp, mệt mỏi và đã phải ngừng quan hệ tình dục với vợ vì lo sợ sự lây lan của virus. Ngoài ra, luật sư của Chanin cũng lập luận rằng các tập đoàn dược phẩm đã làm tăng rủi ro cho sức khỏe cộng đồng bằng việc sản xuất những chai thuốc gây mê có liều lượng nhiều hơn cần thiết để sử dụng cho một ca gây mê. Việc đó đã khuyến khích các y tá tiếp tục sử dụng các lọ thuốc này thay vì phải vứt bỏ lượng thuốc thừa còn sót lại.

Các quan chức y tế địa phương cho hay bệnh dịch có nguyên nhân là do việc tái sử dụng các lọ thuốc tê sau khi chúng đã bị nhiễm trùng bởi xi lanh của bệnh nhân mang mẩm bệnh. Ca nhiễm của Chanin là một trong 9 trường hợp liên quan đến hai bệnh viện tư kể trên ở Las Vegas. Theo cơ quan y tế Hoa Kì, trong năm 2008 đã có khoảng 50,000 bệnh nhân bị nghi ngờ có thể mắc phải những loại virus viêm gan, HIV hay những bệnh lây lan qua đường máu khác vì lý do truyền máu, tiêm chích không an toàn trong các bệnh viện tư được điều hành bởi một bác sĩ duy nhất, Dipak Desai.

Dưới quan điểm của một công ty dược, bạn rút ra được bài học gì ?

Câu chuyện trên cho thấy việc phân tích rủi ro trong kinh doanh là rất khó khăn, đôi khi những thiệt hại to lớn lại xảy đến từ một vài chi tiết nhỏ thường bị bỏ qua. Các công ty dược thì luôn muốn bán được nhiều thuốc, vì vậy họ đã không ngần ngại tăng thêm một lượng dư vào mỗi lọ thuốc, nhưng không ngờ việc đó lại là “lợi bất cập hại”

Một bài học khác, để có thể tránh được rủi ro tương tự, đòi hỏi chúng ta không chỉ phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm của mình mà còn phải hiểu rõ các quy trình nghiệp vụ của khách hàng liên quan đến sản phẩm đó. Hay nói cách khác là phải hiểu sản phẩm chúng ta sẽ được sử dụng như thế nào!

mercredi 5 mai 2010

Trong không gian số, thương hiệu của bạn là thiên tài hay kẻ ngốc ?

Xây dựng thương hiệu là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải nghĩ tới nếu muốn thành công, đặc biệt là khả năng xây dựng thương hiệu trong thế giới Internet.

Khi nói đến khái niệm digital IQ, nhiều thương hiệu đã tỏ ra mình là thiên tài trong khi một số khác chỉ là những kẻ nhu nhược kém thông minh, dựa vào “chỉ số L2 Digital IQ” dành cho các nhãn hiệu dược phẩm, thước đo đầu tiên về thể loại này để đánh giá năng lực marketing trong thế giới số của 51 thương hiệu thuốc dàn trải trên 8 lĩnh vực điều trị.

Chỉ số trên được sáng tạo bởi nhóm chuyên gia cố vấn L2 hợp tác với hãng thông tấn PHD Network. Họ đánh giá sự hiện diện của các thương hiệu dược phẩm trong không gian số dựa trên 4 tiêu chí: Platform (40%, bao gồm sự hiệu quả của website và khả năng truyền tải thông tin); thông điệp Off-Platform (25%, bao gồm những nỗ lực marketing kĩ thuật số như quảng cáo trực tuyến và quảng cáo di động – mobile advertising); SEO (20%, dựa vào khả năng được tìm thấy trong trang đầu của các công cụ tìm kiếm); và Truyền thông xã hội (15%, dựa vào sự hiện diện của thương hiệu trên các nền web 2.0 phổ biến trên Internet). Mỗi nhãn hàng sẽ được chấm điểm dựa trên hơn một trăm tiêu chí về chất lượng cũng như về số lượng, sau đó được xếp hạng vào các cấp độ Thiên tài (Genius), Thông minh (Gifted), Trung bình (Average), Bị thử thách (Challenged) và Nhu nhược (Feeble). (Bản báo cáo chi tiết tại đây)



mardi 4 mai 2010

Camera, hoá học và phương pháp dạy học mới



Công nghệ hiện đại giúp thay thế phương pháp cũ

Các công thức hoá học trên bảng đen thường chỉ thu hút được sự chú ý của sinh viên trong một thời gian nhất định, đôi khi chúng ta không thể tránh khỏi việc lơ là, mất tập trung vào những thứ thú vị hơn như một “bóng hồng” nào đó, hay vài chuyện linh tinh từ những người bạn bên cạnh. Bueno, một sinh viên tốt nghiệp ngành hóa học tại Đại học Maryland, đã quan sát nhiều tiết hóa đại cương với mong muốn tìm ra một phương pháp giảng dạy không theo cách truyền thống theo yêu cầu từ hội giáo sư của trường. Khi đang ngồi tham dự một trong các bài giảng, anh nhận ra ý tưởng anh cần hiện diện ngay dưới mũi của mình.

“tôi nhìn xung quanh và tôi thấy nhiều sinh viên với những chiếc điện thoại di động trong tay”, Bueno nhớ lại. Ngày nay, cùng với Internet, các thiết bị thông tin hiện đại đã trở nên phổ biến, mọi người sử dụng nó ở khắp nơi cho mọi mục đích, vậy tại sao không tận dụng nó cho việc dạy học ?

lundi 3 mai 2010

Counterfeit drugs on the Internet through the eyes of German pharmacists

The French site SuperGelule is often a source of good tips for pharmacist. Example? The site just gave me a nice shot of German advertising, along the same line as Pfizer against counterfeit drugs. This case is about the German pharmacy chain ADBA which treats with humor the subject about the counterfeiting of medicines on the Internet. The words are in English, the text in German, but this pharma video does not need any subtitle.




www.supergelule.fr

dimanche 2 mai 2010

When Novartis talks about health by graphics and music

The graphics is always fashionable, Internet users like it, and the health sector is no exception to the rule. The performance of the health issues, with such figures and information, sometimes gives us somethings interesting to watch, like another example of a US pharmacy chain.

Once again, I can't resist to share my find today in the Internet, a video clip of Novartis showing majors health challenges that we have to confront in the future (even now, for some matters). The clip is in English, but it's still very attractive and it is easy to understand.



www.supergelule.fr