mardi 27 avril 2010

chống thuốc giả (2) : chạy đua với thế giới ngầm


Vì lí do các lô hàng giả được tuồn vào thị trường với hình dáng ngày càng tinh vi khó phát hiện, một số tập đoàn dược phẩm đang đầu tư nghiên cứu khả năng thêm vài “dấu ấn hóa học” chuyên biệt vào thành phần lớp vỏ ngoài của viên thuốc, nhằm giúp cho việc nhận dạng được tiến hành dễ dàng hơn. Với ý tưởng này, FDA đã sơ bộ bày tỏ tín hiệu tích cực giúp cho phép tiến hành thử nghiệm trước khi có thể áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, các nhà quản lý của châu Âu lại tỏ ra không mấy ủng hộ, họ phản đối quan niệm “cho bất cứ thứ gì vào một viên thuốc mà nó không thực sự cần thiết”.

Ngoài việc phát triển ý tưởng bổ sung vài đặc điểm an ninh cho viên thuốc, các tập đoàn trên thế giới thường ưu tiên hơn trong việc thêm các chi tiết xác thực lên nhãn, vỏ hộp bao bì. Tuy nhiên, mọi dấu hiệu an ninh đều chỉ tồn tại được khoảng 18 tháng trước khi những tay làm giả có thể bắt chước được chúng. Quả thật, tem ảnh 3 chiều hologram là một trong những biện pháp đảm bảo đầu tiên được các tập đoàn áp dụng, nhưng hiện nay bọn sản xuất bất hợp pháp đã có khả năng kiếm được chúng thông qua một số công ty nổi tiếng chuyên làm loại tem này, các công ty đó thực sự không biết được rằng “khách hàng” của họ chính là những băng đảng sản xuất tân dược lậu, Shore cho biết. Thậm chí khả năng sử dụng tem chống hàng giả của bọn buôn lậu phổ biến đến nỗi “một công ty dược báo cáo rằng họ đã phát hiện nhiều lô thuốc giả có dán tem ảnh 3 chiều, trong khi thật sự các sản phẩm của họ chưa bao giờ được áp dụng loại tem đó !”

Một đặc tính bảo mật khác được xem xét đó là logo đổi màu (color-shift logo – logo có thể thay đổi màu sắc khi xoay hướng của hộp thuốc ngoài ánh sáng). Shore cho biết, chỉ có 3 công ty trên thế giới có khả năng sản xuất được loại mực in logo đặc biệt này. “Vậy mà sau đó, chúng tôi tìm thấy tại Hong Kong đầu năm vừa rồi một lô hàng được làm tinh vi tới mức gần như không thể xác định được chúng là thật hay giả”. Pfizer sau đó đã ngưng áp dụng kỹ thuật trên, Shore thông báo, nhưng ông ta không cho biết các biện pháp an ninh thay thế cụ thể ra sao, ông chỉ nói rằng Pfizer đang sở hữu một danh sách tất cả các công nghệ mới nhất, đủ để thay thế bất cứ điều gì mà bọn làm giả có thể bắt chước được.

Để ngăn chặn thuốc giả, các chuyên gia cũng đang thử nghiệm kỹ thuật in mã vạch hoặc dấu ấn RFID trên hộp bao bì, nhằm giúp các dược sĩ có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của dược phẩm 1 cách dễ dàng trước khi cấp phát cho bệnh nhân. Với phương pháp này, nếu một hộp thuốc đã được bán ở nơi nào đấy, sau đó lại được phát hiện bán ra 1 lần nữa tại nơi khác, thì có nhiều khả năng bọn làm lậu đã tái sử dụng các dấu hiệu bảo mật cho các lô hàng của chúng. Tuy nhiên, tất cả biện pháp như tem ảnh 3 chiều, logo đổi màu, mã vạch hoặc RFID … có thể áp dụng được đối với những quốc gia phát triển, ngược lại tại Đông Nam Á, Châu Phi hay Mỹ Latinh, việc triển khai chúng gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì tất cả kỹ thuật trên đòi hỏi một cơ sở hạ tầng phải khá hiện đại và phát triển.


Vượt qua nhiều thách thức trong việc phát hiện ra những lô hàng giả, việc truy lùng bọn sản xuất chúng thậm chí còn khó khăn hơn. Các điều tra viên ngày càng phải áp dụng nhiều phương pháp khoa học pháp chứng để lần theo dấu vết thủ phạm. Một trong những hướng tìm kiếm đó là nghiên cứu kỹ cấu trúc đồng vị hoá học của vài thành phần tá dược trong thuốc. Những đồng vị này có thể là đầu mối về nơi mà bọn sản xuất làm ra dược phẩm giả. Ví dụ, khi phân tích đồng vị canxit của một tá dược trong thành phần 1 loại thuốc sốt rét giả, viện Khoa học GNS của Mildenhall có thể chỉ ra rằng những viên thuốc này nhiều khả năng đã được tổng hợp tại vùng biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đặc biệt, một tỷ lệ khác thường giữa canxi, hydro và oxi đã giúp các nhà phân tích nhận ra canxit này không được lấy từ đại dương, mà là từ một vùng mỏ thuỷ-nhiệt. Bởi vì trên thế giới chỉ có 1 vùng mỏ thuỷ-nhiệt duy nhất, tại khu vực phía nam Trung Quốc, sự phát hiện đó đã giúp khoanh vùng được nơi mà những lô hàng giả đã được thực hiện.


Dữ liệu về các muối canxi đã cung cấp những bằng chứng giúp Mildenhall xác định được khu vực. Ngoài ra, ông cũng đang xem xét kĩ một vài loại phấn hoa bám dính vào viên thuốc. “Phấn hoa trong thực tế có thể tìm thấy trong mọi viên thuốc, dù là thật hay giả”, ông nói. Nhưng loại phấn hoa tìm thấy trong những viên artesunate giả này cũng có thể giúp khẳng định thêm giả thuyết rằng chúng được sản xuất tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
hình : Phấn hoa được tìm thấy trong thuốc (Soi dưới kính hiển vi quang học)


Những thông tin từ thành phần canxit và phấn hoa, kết hợp với hỗ trợ từ các phòng thí nghiệm của Fernandez, Newton … đã giúp cho lực lượng IMPACT có thể tiến hành bắt giữ Xu Qiang, một “trùm” buôn bán thuốc giả trong vùng địa bàn nam Trung Hoa. Thông tin về chiến dịch được đang tải trong một bài báo hiếm hoi về chủ đề này (PLOS, DOI: 10.1371/journal.pmed.0050032). Ngoài ra, chi tiết về các trường hợp đấu tranh chống tội phạm sản xuất tân dược bất hợp pháp khác vẫn còn nằm trong bí mật.

Và dù rằng “chúng ta đang chứng kiến một vài thành công nhất định, cuộc chiến chống lại thuốc giả vẫn còn con đường dài phía trước”, Thomson chia sẻ. “Sự thực là, những kẻ sản xuất phi pháp có thể làm ra thuốc giả một cách hoàn hảo và sau đó chúng thâm nhập vào hệ thống phân phối của chúng ta. Liệu chúng ta có thể hoàn toàn ngăn chặn nguy cơ này? Tôi cũng khá nghi ngờ về điều đó, điều duy nhất chúng ta có thể làm đó là nỗ lực hết mình để bảo vệ cho mạng lưới cung cấp hợp pháp khỏi bàn tay của bọn làm giả.


theo pubs.acs.org

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire