dimanche 20 juin 2010

Benchmarking : trông người mà ngẫm đến ta




Benchmarking có thể mang đến cho bạn vài ý nghĩ hơi tiêu cực, vì nó làm nhiều người liên tưởng đến sự trái ngược với điều răn dạy cơ bản thời còn cắp sách tới trường : "Cấm không được copy bài của bạn bên cạnh". Thật ra, benchmarking có ý nghĩa khác đi một tí, vì nó chỉ hướng dẫn ta cách copy bài của những học sinh giỏi !!

Khái niệm
Benchmarking là một từ ghép được tạo thành bởi hai từ đơn :
"Bench" : có nghĩa là bàn thí nghiệm
"Marking" : có nghĩa là ghi chú lại

Khái niêm về benchmarking thường được hiểu thông qua lối diễn đạt "ghi lại những thực hành tốt nhất". Benchmarking là một công cụ mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện mình trong mọi lĩnh vực. Đó là một kĩ thuật marketing bao gồm việc tìm kiếm trên khắp thế giới những nơi mà người ta đang thực hiện một quy trình, một công việc theo cách hiệu quả nhất, học hỏi họ và sau đó tìm cách áp dụng những quy trình đó vào chính doanh nghiệp của mình.

Lịch sử :
Hai chân lý cổ đại sẽ giúp hiểu rõ hơn benchmarking và vai trò của nó. 500 năm trước công nguyên, Tôn Tử, bậc thầy quân sự của Trung Hoa đã nói : « biết mình biết người, trăm trận trăm thắng ». Chân lý khác đến từ một từ tiếng Nhật ‘dantotsu’ có nghĩa là « phương pháp trở thành người giỏi nhất của những người giỏi nhất ».

Dựa vào hai tư tưởng trên, benchmarking được xây dựng với mục đích không chỉ xem xét và thấu hiểu cấu trúc bên trong của doanh nghiệp mà đặc biệt còn để liên tục đánh giá thế giới bên ngoài và so sánh mình với họ.



Những lợi ích của Benchmarking
- Hiểu và thỏa mãn được khách hàng, nhanh chóng nhận biết và đáp ứng các nhu cầu thực tại của thị trường
- Cải thiện hiệu suất bằng cách thiết lập các mục tiêu hiệu quả và đáng tin cậy (tránh đường lối lãnh đạo theo kiểu suy diễn từ kinh nghiệm hoặc những xu hướng trong quá khứ)
- Trở nên hoặc vẫn giữ được tính cạnh tranh : luôn thấu hiểu các đối thủ và biểu hiện của họ (Chất lượng, chi phí, thời gian…)
- Khám phá những phương pháp tốt nhất và thực tiễn đã chứng minh thành công ở nơi khác
- Xác định những điểm mạnh của họ (và phát triển chúng hơn nữa) cũng như những điểm yếu để biến đổi chúng thành cơ hội của mình.
- Tạo điều kiện cho những thay đổi trong quản lý.

Việc thực hiện bất kì một phương pháp benchmarking nào cũng sẽ mang lại kết quả tổng hợp của những lợi ích này.

Các phân tích về nội bộ thông tin cho nhà quản trị tình hình hiện nay của công ty, trên cơ sở những kiến thức rõ ràng hoặc hữu hình : các thủ tục, máy móc thiết bị và năng lực của chúng, tình hình tài chính, tổ chức, cổ phiếu, các kiến thức vô hình mà doanh nghiệp có được, kĩ năng, nguồn nhân lực và các mối quan hệ khách hàng …

Tầm nhìn hướng ra bên ngoài cung cấp cho ta các loại thông tin khác : công nghệ mới nhất, quy định, các vấn đề của thị trường (sản phẩm và quy trình, xu hướng khách hàng, cạnh tranh, các sự kiện sáp nhập…) và một cái nhìn xa hơn về tương lai : dự đoán công nghệ và thị trường, các xu hướng sắp tới của hoàn cảnh xã hội, chính trị…

Một số phương pháp benchmarking hay được đề cập:
Benchmarking nội bộ : phương pháp này liên quan đến việc so sánh hoạt động của bạn với các hoạt động tương tự bên những bộ phận khác trong chính tổ chức của bạn. Ưu điểm đặc trưng của phương pháp này là khả năng dễ dàng chia sẻ những thông tin nội bộ của công ty, bao gồm nhiều thông tin bí mật đối với bên ngoài. Bù lại, loại benchmarking này thường không mang lại những kết quả thực sự đổi mới vì các hoạt động của công ty thường được đặt trong cùng bối cảnh văn hóa doanh nghiệp với những kế hoạch và mục tiêu chung. Ngày nay, quá trình M&As nở rộ ở tất cả các ngành nghề, thì benchmarking nội bộ là một việc làm quan trọng tiến hành sau khi sáp nhập.

Benchmarking cạnh tranh : cách này dùng để so sánh bạn với những đối thủ nổi trội nhất trên thị trường, cũng là phương pháp thường mang đến những cải tiến thực sự thú vị. Ưu điểm của loại so sánh chuẩn này là có thể bắt đầu thực hiện từ việc so sánh các thành quả cuối cùng của 2 bên (ví dụ như sản phẩm cùng loại trên thị trường, website, thương hiệu…). Nhược điểm của phương pháp là sự hạn chế trong tìm kiếm thông tin, nhất là thông tin mật. Tuy nhiên, sự bùng nổ của Internet trong thời đại nay đã mang đến một bước tiến mới trong phương pháp này.

Benchmarking chức năng : bao gồm những cách thức so sánh các quy trình tương tự nhau, ở những công ty thuộc lĩnh vực khác không phải đối thủ cạnh tranh của mình. Vì không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp, người ta sẽ dễ dàng trao đổi thông tin hơn (kể cả những thông tin mật) giúp tìm ra những kỹ thuật sáng tạo. Tuy nhiên, nó cũng gặp khó khăn đối với những quy trình tổng quát.

Generic benchmarking : Đó là phương pháp so sánh các thực hành, phương pháp làm việc của mình với những tổ chức trong một lĩnh vực hoàn toàn khác. Những lợi thế thì rất nhiều : không có sự căng thẳng trong quan hệ đối tác, một nguồn ý tưởng sáng tạo, có thể duy trì các mối quan hệ lâu dài dựa trên nhu cầu và thông tin thường trực lẫn nhau. Một vài khó khăn đó là vì các công ty thuộc những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, việc áp dụng và thích ứng những quy trình học hỏi được vào nội bộ công ty sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Trong thực tế, phương pháp tiếp cận chức năng và generic là dễ triển khai nhất vì không cần phải tính toán đến yếu tố cạnh tranh. Ngoài ra, chúng cũng hứa hẹn sẽ mang lại thật nhiều kết quả phong phú và tiềm năng để khai thác.

Tóm lại, so sánh chuẩn, vì nó là nguồn gốc của sự tiến bộ, đã trở thành một phần của bất kì phương pháp tiếp cận nào về quản lý chất lượng. Ngày nay, nó trở thành một công cụ để trả lời cho câu hỏi ‘khi nào một doanh nghiệp trở thành người giỏi nhất’ và ‘làm thế nào để đạt được điều đó’. Một sự hiểu biết thấu đáo, rằng « trở thành người giỏi nhất » luôn là một mục tiêu có tính động, và benchmarking là quá trình liên tục mà cuối cùng phải được trở thành một phần văn hóa làm việc của công ty.

www.manager-go.com


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire