lundi 28 juin 2010

Khả năng tiếp cận thuốc thiết yếu : GSK vẫn đóng vai trò dẫn đầu



Đối với những tập đoàn, khả năng tiếp cận thuốc thiết yếu tại các nước nghèo đang là một đòi hỏi bức thiết để họ có thể duy trì được danh tiếng đang dần mai một của mình trong mắt cộng đồng. Tuy nhiên, việc cung cấp thuốc thiết yếu không chỉ toàn mang lại những rủi ro, nó còn tạo ra cơ hội cho công ty. Trước tình hình tăng trưởng lợi nhuận một cách chậm chạp ở các thị trường đã trưởng thành, nhóm bệnh nhân ở dưới đáy của tháp nhu cầu đang bắt đầu được chú ý đến, họ đại diện cho một thị trường chăm sóc sức khỏe khổng lồ còn chưa đưa khai thác và hứa hẹn một sự tăng trưởng đầy tiềm năng.

Những tập đoàn dược phẩm châu Âu vẫn được đánh giá cao hơn các đối thủ Hoa Kỳ về lĩnh vực này, mặc dù cách biệt không còn lớn như trước, theo một phân tích vừa được xuất bản trong thời gian gần đây.
Nghiên cứu xếp hạng 20 công ty dựa trên các tiêu chí quan trọng bao gồm giá cả, bản quyền sáng chế và tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực, tiếp thị, chiến thuật lobbying, cạnh tranh và hoạt động từ thiện. (các bạn có thể vào trang chủ của tổ chức để tìm hiểu kỹ hơn về tiêu chuẩn đánh giá). Báo cáo này là ý tưởng của Wim Leereveld, người sáng lập và cũng là chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Access to Medicine Foundation, hợp tác với công ty nghiên cứu rủi ro Risk Metrics.



Tập đoàn dược phẩm Anh GlaxoSmithKline được xếp hạng đầu trong danh sách này, bởi những nỗ lực của họ trong việc tạo điều kiện cho thuốc của tập đoàn có thể được sản xuất, phân phối đến tay những bệnh nhân nghèo nhất ở các quốc gia đang phát triển. Qua đó khẳng định sự hiện diện khá mạnh mẽ của tập đoàn tại các thị trường mới nổi này.

Điều gì là khác biệt giữa GSK và các đối thủ của họ ?

« GSK đã tích hợp một cách hoàn hảo hoạt động cung ứng thuốc thiết yếu vào mô hình kinh doanh của mình, vì vậy đây không đơn thuần chỉ là hoạt động từ thiện vì lòng hảo tâm. Nó thực sự là một phần trong cách họ làm kinh doanh và cũng là chứng minh cho hiểu biết của họ về tầm quan trọng của những thị trường mới nổi ", ông Afshin Mehrpouya của tổ chức Risk Metrics nói. « Vì thế, họ đã cam kết mạnh mẽ đầu tư nghiên cứu thuốc điều trị những căn bệnh bị lãng quên. Tại các thị trường mới nổi, họ vừa kinh doanh thuốc vừa giúp đỡ phát triển cơ sở hạ tầng ».

Những công ty nằm giữa hay dưới bản danh sách này có xu hướng xem việc tiếp cận thuốc thiết yếu như một chiến thuật tạm thời hơn là kết hợp nó vào trong hoạt động kinh doanh, Mehrpouya giải thích.

Sự chuyển biến lớn nhất thuộc về Pfzer, xếp hạng 17 năm 2008, nay đã vươn lên vị trí thứ 9.
« Pfizer ngày nay được xem như một nhân vật quan trọng mới », Leereveld nói, « công ty đã thay đổi đáng kể, ê kíp cũ đã ra đi và đội ngũ quản lý mới bắt đầu nhìn nhận việc tiếp cận thuốc thiết yếu như một vấn đề rất quan trọng cần thực hiện tại các nước thuộc thế giới thứ 3, và họ đã làm hết sức mình để thu thập các dữ liệu của mình.

Các công ty châu Âu, nói chung, đã có một lịch sử khá lâu đời hoạt động tại các thị trường đang phát triển, tạo cho họ ưu thế hơn so với những đồng nghiệp Nhật Bản và Hoa Kỳ, những công ty trước đến nay chủ yếu chỉ dựa vào khai thác thị trường địa phương.
"Do sự bão hòa của thị trường phương Tây, sự suy giảm của các loại thuốc"bom tấn", và sự tăng trưởng nhanh chóng của các thị trường mới nổi, những công ty như Pfizer đang di chuyển nhanh hơn để có thể bắt kịp với các đối tác châu Âu của họ", Mehrpouya nói.


pharmexec.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire